Mỹ Latinh “gặp hạn”

Nếu như năm 2010, lần đầu tiên Mỹ Latinh lập kỷ lục số lượng người trung lưu đông hơn người nghèo, thì Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) mới đây cảnh báo nguy cơ tái nghèo gia tăng cho khu vực với 600 triệu dân này.

Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo mức tăng trưởng của khu vực này chỉ đạt 0,4% trong năm nay. Chỉ trong giai đoạn 2012 - 2014, đã có 5 triệu người ở khu vực được mệnh danh là Tân thế giới đã tái nghèo và với tốc độ tăng trưởng 0,4% như dự báo, ước tính trong năm nay sẽ tiếp tục có 5 triệu người tái nghèo. Theo Huffington Post, con số này chưa kể đến 1/5 dân số Mỹ Latinh, khoảng 130 triệu người, chưa bao giờ thoát nghèo hay còn gọi là “nghèo kinh niên”, ngay cả trong những năm 2000, khi nền kinh tế khu vực này tăng trưởng mạnh.

Theo Openmarkets, Mỹ Latinh “gặp hạn” bởi 3 yếu tố đang cản trở tăng trưởng. Thứ nhất, sự rớt giá nhanh chóng của các hàng hóa nông sản, năng lượng và kim loại trong những tháng gần đây khiến cho các nền kinh tế Mỹ Latinh tăng trưởng thêm ì ạch. Thứ hai, thâm hụt tài khoản trong khu vực hiện rất lớn. Tại nhiều nước Mỹ Latinh, thâm hụt thương mại hiện tại vượt cả các mức thâm hụt từng xảy ra trong lịch sử. Lạm phát tăng cao do tác động của các đồng tiền yếu hơn tại nhiều nước cũng là một trong những nguyên nhân có thể cản trở các ngân hàng trung ương thúc đẩy nhu cầu bằng chính sách nới lỏng tiền tệ, và trong một số trường hợp, có thể dẫn đến những điều kiện tiền tệ chặt chẽ hơn. Thắt lưng buộc bụng và cắt giảm ngân sách đang trở thành những biện pháp phổ biến mà các nền kinh tế lớn trong khu vực này sử dụng để đối phó với những thách thức như lạm phát leo thang và đồng nội tệ yếu đi.

Tuy nhiên, còn có một yếu tố quan trọng góp phần cản trở tăng trưởng Mỹ Latinh là luồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào khu vực Mỹ Latinh và Caribbean giảm sút. Theo báo cáo thường niên công bố mới đây của Hội nghị LHQ về thương mại và phát triển (UNCTAD), trong năm 2014, luồng vốn FDI vào khu vực này chỉ đạt 159 tỷ USD, giảm 14% so với năm trước đó. Khai khoáng mỏ là lĩnh vực kém thu hút nhất. Tổng giá trị các thương vụ sát nhập và mua lại xuyên biên giới ở hai tiểu khu vực Trung Mỹ và Caribbean giảm tới 72% trong năm 2014. Ngoài ra, việc giá nhiên liệu sụt giảm cũng làm giảm sức hấp dẫn của các hoạt động khai khoáng mỏ tại Nam Mỹ, khiến các nhà đầu tư quốc tế dè dặt hơn khi bước chân vào khu vực này.

Trong năm qua, tại hai tiểu khu vực Trung Mỹ và Caribbean, tổng lượng FDI chỉ đạt 39 tỷ USD, giảm tới 36% so với năm trước đó. Hầu hết các nước nhận đầu tư chính trong khu vực đều chứng kiến mức giảm này. Nền kinh tế lớn nhất khu vực là Brazil tiếp tục chứng kiến năm sụt giảm thứ 3 liên tiếp nhưng vẫn là nước nhận được nhiều đầu tư nhất với 62 tỷ USD. Tiếp theo là Chile với 23 tỷ USD và Mexico cũng gần bằng con số này. Đứng cuối bảng danh sách thu hút FDI trong khu vực là Venezuela, Argentina và Peru, với mức sụt giảm lần lượt là 88%, 42% và 18% do xu hướng cắt giảm đầu tư vào ngành khai khoáng.

Việc nền kinh tế Mỹ Latinh có dấu hiệu chững lại trong những năm gần đây có thể đe dọa những thành tựu xóa đói, giảm nghèo mà khu vực này từng tự hào.

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục