Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton vừa kết thúc chuyến công du châu Á trong chuyến đi đầu tiên trên cương vị mới. Mục đích của chuyến đi không gì khác hơn là khẳng định chính sách đối ngoại mới của Tổng thống Mỹ Barack Obama là tăng cường đối thoại.
Trước chuyến đi, bà Clinton cũng đã khẳng định muốn “làm mới” sự quan tâm của Mỹ với châu Á mà bà cho là đã bị Chính phủ tiền nhiệm của ông George W. Bush xao lãng.
Thông điệp của bà Hillary Clinton là “lắng nghe” thay cho những điều mà nước Mỹ thường “ra lệnh” với các nước khác. Theo thăm dò của Hội đồng đối ngoại Chicago tại 4 nước Ngoại trưởng Mỹ tới thăm (Nhật Bản, Indonesia, Hàn Quốc, Trung Quốc), đa số đều ủng hộ “chính sách quyền lực mềm” của Mỹ, tức là gây ảnh hưởng đến nước khác thông qua sự hấp dẫn của chính mình chứ không phải thông qua sự áp đặt.
Nhật Bản được chọn làm chặng dừng chân đầu tiên là vì Ngoại trưởng Mỹ muốn tái khẳng định vai trò đồng minh của Nhật Bản, trong đó Mỹ rất cần Nhật Bản tiếp tục “mở hầu bao” đóng góp vào việc duy trì ổn định Afghanistan, Iraq, Pakistan… Chính vì thế, bà đã gọi Nhật Bản là “nền tảng” trong chính sách ngoại giao của Mỹ.
Hơn nữa, với vị trí cường quốc kinh tế thứ hai thế giới, sự hợp tác của Nhật Bản với Mỹ chống suy thoái kinh tế là vô cùng quan trọng. Vì vậy, Mỹ đã mời Thủ tướng Nhật Bản Taro Aso là nhà lãnh đạo đầu tiên của nước ngoài thăm Nhà Trắng.
Với Indonesia, Mỹ muốn thông qua mối quan hệ gắn bó cá nhân của Tổng thống Barack Obama để mở ra cơ hội làm bạn với thế giới Hồi giáo, xây dựng lại hình ảnh của Mỹ vốn đã mất đi qua cuộc chiến chống khủng bố. Ngoài ra, Mỹ cũng muốn tận dụng sự gần gũi này để tái khẳng định quan hệ giữa Mỹ với ASEAN.
Từ nhiều năm qua, Mỹ gần như không tham gia các cuộc họp quan trọng của khu vực này. Sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Clinton tới trụ sở của Ban Thư ký ASEAN, Mỹ cam kết sẽ ký Hiệp ước thân thiện và hợp tác với ASEAN.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đến Hàn Quốc diễn ra trong bối cảnh quan hệ Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đang rất căng thẳng. Một mặt Washington muốn tái khẳng định quan hệ đồng minh với Hàn Quốc, nơi hiện còn gần 30.000 quân Mỹ, mặt khác nhắc nhở chính phủ ở Seoul không nên gây thêm sức ép với CHDCND Triều Tiên. Chính sách của Mỹ hiện nay với CHDCND Triều Tiên là hết sức kiềm chế, tránh gây thêm căng thẳng. Vì vậy, Hàn Quốc mặc dù đang rất căng thẳng với CHDCND Triều Tiên cũng tìm mọi biện pháp tránh manh động.
Qua chuyến thăm Trung Quốc, Ngoại trưởng Clinton đã tỏ ra lắng nghe nhiều hơn từ Trung Quốc và lập lại nhiều lần câu nói “mối quan hệ mang tính chất hợp tác và tích cực” giữa hai nước và khẳng định rằng sẽ không để các cuộc đối thoại về nhân quyền lấn át quan hệ hợp tác giữa hai nước trong các vấn đề kinh tế, an ninh và thay đổi khí hậu.
Nếu như thời của Tổng thống Bush đã mở ra cuộc đối thoại kinh tế chiến lược do Bộ trưởng Tài chính lúc đó là Henry Paulson đứng đầu, nay Ngoại trưởng Mỹ và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đồng ý tách biệt thành hai cuộc đối thoại riêng, về kinh tế và về chiến lược. Trong đó đối thoại chiến lược sẽ do Ngoại trưởng Mỹ Clinton dẫn đầu, bàn cả về các vấn đề chính trị và an ninh toàn cầu.
Chuyến thăm của Ngoại trưởng Clinton cũng gửi đi một thông điệp với Trung Quốc rằng Mỹ sẽ không trở lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch vốn đang gây lo ngại cho ngành xuất khẩu Trung Quốc. Trước khi rời Bắc Kinh, Ngoại trưởng Mỹ không quên kêu gọi Trung Quốc tiếp tục mua trái phiếu của Mỹ.
Bà Clinton cho rằng “cả Mỹ và Trung Quốc đều đi trên cùng con thuyền” nếu thuyền chìm thì cả hai cùng chìm. Trái phiếu của Mỹ bán cho Trung Quốc là nguồn tài chính cần thiết để Mỹ thực hiện các khoản chi khổng lồ kích thích kinh tế. Hiện Trung Quốc đang là chủ nợ hàng đầu của Mỹ khi kiểm soát hơn 600 tỷ USD giá trị trái phiếu của Mỹ.
Vũ Minh