Mỹ: Nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm do rủi ro vỡ nợ

Ngày 24-5, hãng xếp hạng tín nhiệm Fitch đã đưa Mỹ vào diện cần giám sát về nguy cơ bị hạ bậc xếp hạng tín nhiệm do rủi ro vỡ nợ, trong bối cảnh chính phủ nước này đang bế tắc giải quyết vấn đề trần nợ công.

Chia rẽ đảng phái làm tăng rủi ro

Cụ thể, Fitch đánh giá xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn (IDR) của Mỹ ở mức AAA trong Danh sách giám sát tín nhiệm tiêu cực. Fitch nêu rõ, mức xếp hạng AAA phản ánh tình trạng chia rẽ đảng phái gia tăng đang cản trở việc đạt được nhất trí để nâng trần nợ công trước thời hạn chót sắp tới. Tuy nhiên, Fitch vẫn hy vọng các bên có thể đạt được sự đồng thuận về vấn đề này.

Trong khi đó, kết thúc phiên giao dịch ngày 24-5 tại thị trường chứng khoán New York, các chỉ số chứng khoán của Mỹ tiếp tục giảm điểm trong bối cảnh việc nâng mức trần nợ công vẫn bế tắc, kéo theo quan ngại ngày một tăng về nguy cơ nền kinh tế đầu tàu thế giới vỡ nợ.

Phố Wall trượt dốc trước nỗi lo tình trạng vỡ nợ công ngày càng trầm trọng. Ảnh: AP
Phố Wall trượt dốc trước nỗi lo tình trạng vỡ nợ công ngày càng trầm trọng. Ảnh: AP

Ngay sau khi sàn giao dịch vàng đóng cửa, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã công bố biên bản cuộc họp ngày 2-5 và 3-5, theo đó FED dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ suy thoái nhẹ trong năm nay.

Theo biên bản cuộc họp, một số ý kiến cho rằng cần phải tiếp tục củng cố các chính sách tại các cuộc họp sắp tới nhằm đẩy nhanh tiến trình kéo lạm phát trở về mức 2%. Một số khác lại cho rằng, nếu nền kinh tế tiếp tục phát triển theo xu hướng hiện tại thì việc củng cố các chính sách có thể không cần thiết.

Theo dữ liệu từ CME Group, các nhà giao dịch kỳ vọng FED sẽ tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất vào ngày 1-6 tới. Tuy nhiên, trong những ngày gần đây đã xuất hiện một số ý kiến cho rằng thể chế này sẽ vẫn tăng lãi suất.

Vẫn nhìn thấy cơ hội

Quá trình đàm phán về trần nợ công đang trở nên gấp rút hơn bao giờ hết, khi ngày 1-6 là thời điểm mà Bộ Tài chính Mỹ cảnh báo chính phủ có thể hết khả năng trang trải chi phí cho các hoạt động và nguy cơ sớm vỡ nợ, với khoản nợ hơn 31.000 tỷ USD.

Theo Công cụ theo dõi FedWatch của CME, khả năng Ủy ban Thị trường mở liên bang - cơ quan hoạch định chính sách của FED - tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản trong tháng 6 là hơn 30%.

Trong một tuyên bố đưa ra ngày 24-5, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cho biết, các nhà đàm phán của 2 đảng vẫn mâu thuẫn về mức trần chi tiêu, đồng thời đổ lỗi cho đảng Dân chủ về tình trạng bế tắc hiện nay. Dù vậy, ông McCarthy tin tưởng hai bên vẫn có thể đạt tiến triển trên bàn đàm phán và đi đến thỏa thuận tránh vỡ nợ.

Trong khi đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định vẫn nhìn thấy cơ hội đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công với đảng Cộng hòa nhằm tránh nguy cơ về một cuộc khủng hoảng nợ.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng có rất ít dấu hiệu cụ thể cho thấy hai bên đang tìm kiếm thỏa thuận về cách tăng trần nợ công để cho phép chính phủ vay thêm tiền và tiếp tục thanh toán các hóa đơn sau ngày 1-6.

Theo cảnh báo của Bộ Tài chính Mỹ, bộ này có thể hết khả năng trang trải chi phí cho các hoạt động vào ngày 1-6 tới, gây ra tình trạng vỡ nợ với những hậu quả kinh tế mang tính tàn phá, nếu Quốc hội không hành động để nâng trần nợ công.

Tin cùng chuyên mục