Mỹ rút khỏi INF: Một cuộc mặc cả chính trị

Kể từ ngày 2-2, Mỹ sẽ ngừng các nghĩa vụ trong khuôn khổ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF với lý do Moscow đã vi phạm hiệp ước này. 
“Cái chết” của INF có thể khởi đầu một cuộc chạy đua vũ trang Nga - Mỹ
“Cái chết” của INF có thể khởi đầu một cuộc chạy đua vũ trang Nga - Mỹ

Quyết định này ngay lập tức đã vấp phải sự phản đối của Nga và lo ngại của dư luận các nước.

Nga quyết định ngừng tuân thủ hiệp ước

Ngày 2-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết Nga quyết định ngừng tuân thủ Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), nhằm đáp trả quyết định tương tự từ phía Mỹ. Nhà lãnh đạo Nga cho biết nước này sẽ bắt tay vào việc chế tạo tên lửa mới, trong đó có tên lửa siêu thanh, đồng thời chỉ đạo Bộ trưởng Quốc phòng và Ngoại trưởng Nga không đối thoại với Mỹ về vấn đề giải trừ vũ khí.

Động thái trên của Nga diễn ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 1-2 tuyên bố Washington rút khỏi INF với lý do “Moscow đã vi phạm hiệp ước này”.

Rút khỏi INF là một phần trong chiến lược quốc gia của Mỹ về từ bỏ các cam kết pháp lý quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau. Nga có quyền đưa ra những biện pháp đáp trả phù hợp nếu Mỹ quyết định rút khỏi hiệp ước INF. Đây là tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong “chương trình 60 phút” trên kênh truyền hình Rossya-1 ngày 1-2.

Hãng tin Nga TASS dẫn lời của bà Zakharova cho biết, trên thực tế đây chỉ là một phần trong chiến lược chung của Mỹ nhằm phá vỡ và rút khỏi một loạt thỏa thuận quốc tế như Hiệp ước Phòng thủ tên lửa, các hiệp ước về sinh thái và môi trường, các cam kết nhân đạo trong khuôn khổ Tổ chức Văn hóa, khoa học và giáo dục Liên hiệp quốc (UNESCO). Đây thực chất là chiến lược của Mỹ về từ bỏ các cam kết quốc tế trong các lĩnh vực khác nhau. Quan chức ngoại giao Nga nhấn mạnh vấn đề chính ở đây là Mỹ quay trở lại chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa bá quyền để giải quyết mọi vấn đề. Đây là câu chuyện từ bỏ trách nhiệm đối với các hiệp ước quốc tế.

Tổng Giám đốc Hội đồng Các vấn đề quốc tế của Nga Andrei Kortunov cho rằng sau INF, Hiệp ước Về vũ khí tiến công chiến lược (START-3) cũng có thể đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho rằng việc Mỹ rút khỏi INF sẽ là một đòn giáng mạnh vào hệ thống kiểm soát vũ khí quốc tế và ngăn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Russia 24 TV, ông Ryabkov nhận định đây là một bước đi nghiêm trọng khi giải thoát cho Washington khỏi những hạn chế hoạt động liên quan đến hiệp ước.

Vai trò của châu Âu

Theo hãng tin Nga TASS, chuyên gia Viện Nghiên cứu chiến lược Nga Sergei Ermakov cho rằng Mỹ sẽ sử dụng 6 tháng tới, là thời gian để rút khỏi INF, để tiến hành các cuộc mặc cả chính trị với Nga, trong khi Moscow sẽ tiếp tục sử dụng các biện pháp chính trị và ngoại giao để cứu vãn INF.

Ông Ermakov cho rằng lập trường của các nước châu Âu sẽ có vai trò quan trọng trong việc cứu vãn INF vì các nước này đối mặt với các nguy cơ an ninh nếu hiệp ước bị phá vỡ.

Trên mạng xã hội Twitter, Ngoại trưởng Đức Heiko nói tình hình an ninh sẽ bị suy yếu nếu như không có INF. Các nước châu Âu vẫn hy vọng Nga và Mỹ cùng thỏa hiệp về INF do NATO không muốn triển khai các dự án cơ sở hạ tầng quân sự lớn để đối phó với Nga. Trên thực tế, các bên vẫn muốn duy trì an ninh và phát triển bền vững. Vì vậy, trong thời gian 6 tháng, các bên có thể đạt được những thỏa hiệp nhất định.

Trong khi đó, ông Ivan Timofeev, Giám đốc Chương trình câu lạc bộ Valdai của Nga cho rằng chạy đua vũ trang sẽ diễn ra nhưng không bắt đầu ngay, mà có thể phải sau nhiều năm nữa khi các hệ thống vũ khí mới ra đời.

Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố: “Trung Quốc phản đối việc Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi INF, đồng thời hối thúc Nga và Mỹ giải quyết những bất đồng một cách hợp lý thông qua đối thoại”. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng phản đối việc thành lập một thỏa thuận đa phương để thay thế cho hiệp ước INF.

Tin cùng chuyên mục