

Kinh tế Mỹ có thêm nhiều dấu hiệu suy thoái trước những thông báo về chỉ số lòng tin của người tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất trong 26 năm qua, còn lợi nhuận của các công ty sụt giảm trong quý thứ ba liên tiếp.
Điều tra của Reuters và Đại học Michigan cho biết chỉ số niềm tin tiêu dùng từ mức 69,5 đã giảm xuống 62,6 trong tháng 3-2008. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 3-1982 (đạt 62,0), thời điểm nền kinh tế Mỹ lâm vào tình trạng lạm phát và đình đốn. Bản điều tra còn ghi rõ “Cứ 10 người thì có 9 người cho rằng kinh tế đang thực sự suy thoái”.
Mặc dù chính phủ áp dụng chính sách giảm thuế nhằm kích thích tiêu dùng, nhưng người tiêu dùng Mỹ lại hạn chế tiêu dùng và thích dùng các khoản tiền này để trang trải nợ nần và bổ sung khoản tiết kiệm của họ. Điều này đã ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi kinh tế bởi tiêu dùng xã hội rất quan trọng với đầu ra của doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Giới quan sát cho rằng những thông báo ảm đạm trên đặt Ngân hàng Dự trữ Liên bang (FED) Mỹ vào “thế khó xử”, muốn chấm dứt chiến dịch hạ lãi suất, nhưng lại khó có thể “làm ngơ” trước tình trạng người tiêu dùng mất lòng tin vào nền kinh tế, do đó không muốn chi tiêu thêm nữa.
Trong khi đó, sau khi bất ngờ giảm đột ngột, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới chiều 25-4 (sáng 26-4 giờ VN) đã tăng mạnh trở lại. Tại New York, giá dầu thô ngọt nhẹ giao tháng 6-2008 dừng ở mức 118,60 USD/thùng, tăng 2,54 USD so với ngày hôm trước, sau khi có lúc đã gần chạm “ngưỡng” cao kỷ lục mọi thời đại 119,99 USD/thùng vào đầu tuần.
Giá dầu tăng mạnh do các nhà buôn lo ngại nguy cơ rối loạn nguồn cung ở Anh và Nigeria, cũng như nguy cơ “leo thang” căng thẳng giữa Mỹ và Iran có thể khiến cho quốc gia xuất khẩu dầu mỏ này cắt giảm nguồn cung. Có tin một tàu vận tải chở thuê cho Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 25-4 đã bắn cảnh báo vào 2 tàu nhỏ khác được cho là của Iran ở vùng Vịnh Persian. Phát biểu tại Lầu Năm Góc, Đô đốc Mullen tuyên bố cơ quan này “đang lên phương án về các hành động quân sự có thể có chống Iran”.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates cũng khẳng định “một phương án quân sự vẫn luôn thường trực ở trên bàn” do chính sách gây bất ổn định và nguy cơ của một nước Iran có vũ khí hạt nhân. Những căng thẳng trong quan hệ giữa Washington và Tehran từng là nguyên nhân đẩy giá dầu lên cao kỷ lục vào năm ngoái. Hồi tháng 1 và cuối tháng 3, cũng đã có hai lần tàu Mỹ và tàu của Iran “căng thẳng” với nhau tại eo biển Hormuz ở vùng Vịnh.
H.CH. (Theo Bloomberg, Reuters)