Trong vụ lật đổ chính phủ Kyrgyzstan

Mỹ thường xuyên tiếp xúc với phe đối lập

Mỹ thường xuyên tiếp xúc với phe đối lập

Quyền Tổng thống kiêm quyền Thủ tướng Kyrgyzstan Kurmanbek Bakiev đã bổ nhiệm một số vị trí chủ chốt trong Chính phủ lâm thời như Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Tư pháp. Trước đó, ông Bakiev đã cách chức một loạt quan chức chủ chốt trong chính quyền của Tổng thống Askar Akayev.

Hiện vẫn chưa rõ số phận của Tổng thống bị lật đổ Akayev. Các nguồn tin hiện nay cho biết ông Akayev đã lên tiếng buộc tội phe đối lập đã thực hiện một cuộc đảo chính và khẳng định mình vẫn là tổng thống. Trong khi Quyền Tổng thống Kyrgyzstan tuyên bố rằng ông sẵn sàng bảo đảm an toàn cho ông Akaev nếu ông này trở về Kyrgyzstan thì quyền Bộ trưởng Ngoại giao Kyrgyzstan lên tiếng rằng ban lãnh đạo mới ở Kyrgyzstan có thể yêu cầu dẫn độ ông Akayev nếu xác định rõ ông đang ở nước nào.

Mỹ thường xuyên tiếp xúc với phe đối lập ảnh 1

Đường phố Kyrgyzstan đã tạm yên ắng trở lại.

Hãng RIA-Novosti của Nga ngày 26-3 cho biết ngay trước hôm diễn ra vụ đảo chính, Đại sứ Mỹ tại Kyrgyzstan Stiven Young đã gặp ông Bakiev tối 24-3 lúc đó đang còn làm Chủ tịch Ủy ban đoàn kết dân tộc. Trước đó, Đại sứ Young vẫn thường xuyên duy trì tiếp xúc qua điện thoại với ông Bakiev và các thủ lĩnh khác của phe đối lập Kyrgyzstan. Ông Young còn công khai tuyên bố trên kênh truyền hình CNN rằng Mỹ ủng hộ phe đối lập Kyrgyzstan và sẵn sàng giúp đỡ phe này.

Trong lúc này, Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố cho biết Mỹ có kế hoạch hợp tác với LHQ, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Nga cùng các tổ chức và các nước khác trên thế giới để giải quyết các vấn đề chính trị ở Kyrgyzstan. Tuyên bố cho biết Mỹ dự định chi 31 triệu USD để “hỗ trợ tự do” tại nước Trung Á này.

Cũng nguồn tin của RIA-Novosti cho biết trong chuyến thăm Nga vào tháng 1 vừa qua, ông Akayev đã biết trước rằng tại Kyrgyzstan sẽ xảy ra “cuộc cách mạng nhung” và ai cung cấp tài chính, nhưng không tin rằng nó sẽ thành công. Ông Akayev cho rằng phe đối lập Kyrgyzstan không có thủ lĩnh nổi trội và chỉ giành được sự ủng hộ của từ 3% đến 6% dân chúng trong nước. Dân chúng Kyrgyzstan không cực đoan và theo phương Tây như ở Gruzia và Ukraine.

Ông Akayev khẳng định thông qua tổ chức Freedom House, các thế lực bên ngoài đã cung cấp tài chính cho phe đối lập Kyrgyzstan. Freedom House có nhà in rất lớn ở Kyrgyzstan và toàn bộ báo chí đối lập đã in tại đây. Theo ông Akayev, Kyrgyzstan phụ thuộc vào vốn của IMF và WB nên đã bị “trói tay” đối với hoạt động của các tổ chức quốc tế trên lãnh thổ mình.

Diễn biến ở Kyrgyzstan làm cho các nước láng giềng hết sức lo ngại. Tờ nhật báo Hồng Công South China Morning Post ngày 26-3 cho biết Trung Quốc lo ngại cuộc “Cách mạng màu cam” có thể lan vào Khu tự trị Tân Cương và làm cho Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO) sẽ không còn tác dụng. Trung Quốc đã ra lệnh đóng cửa cửa khẩu biên giới Irkeshtam ở Tân Cương kể từ ngày 23-3.  

H.A. (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục