Myanmar: Căng thẳng chưa hạ nhiệt

Ngày 15-3, hãng tin CNN đưa tin, vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình tại Myanmar trong ngày 14-3 đã làm 38 người thiệt mạng và 40 người bị thương, bất chấp thiết quân luật được ban bố tại 2 quận Hlaingthaya và Shwe Pyi Thar ở Yangon.
Đụng độ diễn ra giữa người biểu tình và lực lượng an ninh tại Yangon
Đụng độ diễn ra giữa người biểu tình và lực lượng an ninh tại Yangon

Tìm kiếm giải pháp hòa bình

Thiết quân luật đã được ban bố ở 2 quận Hlaingthaya và Shwepyithar, cho phép quân đội thực hiện quyền hành pháp và tư pháp tại hai khu vực này mà không cần xin ý kiến của Hội đồng hành chính quốc gia - cơ quan ra quyết định cao nhất được thành lập sau chính biến. Tại quận Hlaingthaya, người biểu tình đốt phá, tấn công các nhà máy may mặc có vốn đầu tư Trung Quốc tại khu công nghiệp Shwe Lin Ban. Theo Đài truyền hình Mandalay, lực lượng an ninh nổ súng vào người biểu tình sau khi 4 nhà máy bị phóng hỏa. Thống kê ban đầu cho biết, khoảng 32 nhà máy đã bị thiệt hại do đập phá. 

Sau vụ việc, Đại sứ quán Trung Quốc ra tuyên bố kêu gọi Myanmar thực hiện các biện pháp hiệu quả hơn nữa để ngăn chặn mọi hành vi bạo lực, trừng phạt thủ phạm theo quy định của pháp luật và đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của các công ty và nhân viên Trung Quốc tại Myanmar. 

Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Lào có tuyên bố chính thức về tình hình tại Myanmar. Tuyên bố nêu rõ: “Với tư cách là quốc gia láng giềng và một thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Lào luôn theo dõi sát sao các diễn tiến tại Myanmar. Chúng tôi nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc duy trì ổn định chính trị tại các nước thành viên ASEAN nhằm đạt mục tiêu xây dựng cộng đồng ASEAN ổn định, hòa bình và thịnh vượng”. Bộ Ngoại giao Lào cũng tái khẳng định lập trường của ASEAN được đề cập trong tuyên bố của Chủ tịch ASEAN ngày 1-2 và Tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN không chính thức theo hình thức trực tuyến ngày 2-3. Lào hối thúc các bên liên quan tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua đối thoại xây dựng và hòa hợp để sớm bình thường hóa tình hình vì sự hòa bình, phát triển và lợi ích của nhân dân Myanmar.

Đặc phái viên Liên hiệp quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener lên án vụ đụng độ. Theo bà Burgener, hành động của lực lượng an ninh làm suy yếu triển vọng hòa bình và ổn định, đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ người dân Myanmar cũng như nguyện vọng dân chủ của họ.

Cần phối hợp hành động

Bất chấp nỗ lực ngoại giao của cộng đồng quốc tế, căng thẳng tại Myanmar vẫn leo thang sau hơn 1 tháng xảy ra đảo chính, điều này cho thấy Myanmar vẫn đang trong tình trạng bất ổn. Theo giới quan sát, cộng đồng quốc tế cần tăng cường phối hợp hành động để tăng sức ép với chính quyền quân sự Myanmar. Ông Nehginpao Kipgen, phó giáo sư và giám đốc điều hành Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học Quan hệ quốc tế Jindal ở Ấn Độ, nhận định quy mô của làn sóng biểu tình ở Myanmar lần này chưa từng có tiền lệ. Theo ông Nehginpao Kipgen, vẫn có chỗ cho đàm phán và hòa giải, nhưng không loại trừ khả năng còn thêm những cuộc trấn áp bạo lực với người biểu tình, dẫn tới cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn hơn.

Có ý kiến cho rằng ASEAN đóng vai trò không thể thay thế trong việc thúc đẩy đàm phán hòa bình, nhưng bị hạn chế bởi nguyên tắc “hiệp thương thống nhất” và “không can thiệp vào công việc nội bộ”. Để kéo giảm căng thẳng ở Myanmar, cần phải có thêm sức mạnh từ nhóm ASEAN +3 như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, hay Mỹ. 

Cũng trong ngày 15-3, Hội đồng hành pháp Nhà nước Myanmar mở rộng lệnh thiết quân luật ra 4 quận mới ở Yangon gồm North Dagon, South Dagon, Dagon Seikkan và North Okkalapa. Trước đó, sắc lệnh tình trạng khẩn cấp kéo dài 1 năm đã được ban bố tại Myanmar từ ngày 1-2.

Phiên tòa trực tuyến của tòa án Myanmar xét xử Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi đã bị lùi lại đến ngày 26-3 do những trục trặc về Internet. Ông Khin Maung Zaw, Trưởng nhóm luật sư bảo vệ bà Suu Kyi, cho biết, chính quyền quân sự Myanmar chỉ cho phép 2 luật sư cấp thấp bào chữa cho bà. (Reuters)

Tin cùng chuyên mục