Một quốc gia thuộc loại nghèo của Đông Nam Á suốt nhiều năm gần như đóng cửa với bên ngoài nhưng bỗng chốc trở thành tâm điểm của thế giới, đó chính là Myanmar.
Cuộc tổng tuyển cử năm 2010 dẫn đến thành lập chính phủ dân sự đầu tiên sau 50 năm quân đội nắm quyền. Từ đây, đảng Đoàn kết và Phát triển liên bang (USDP) do Tổng thống U Thein Sein đứng đầu bắt đầu tiến trình cải cách dân chủ và kinh tế được dư luận quốc tế đánh giá cao như phóng thích tù nhân, trả tự do cho các nhân vật đối lập, thành lập ủy ban nhân quyền quốc gia, lập liên đoàn lao động cho phép đình công và biểu tình…
Đổi thay ở Myanmar đã được nhiều nước hoan nghênh. Trong năm 2011, Myanmar được các thành viên ASEAN thống nhất ủng hộ làm chủ tịch khối vào năm 2014. Myanmar cũng đã tổ chức thành công hội nghị cấp cao các nước lưu vực sông Mekong mở rộng, theo đó đảm bảo an ninh và phát triển kinh tế dọc theo lưu vực của dòng sông này.
Chuyến thăm của các lãnh đạo cấp cao Myanmar ra nước ngoài cũng như hàng loạt chuyến thăm của các nhà lãnh đạo nước ngoài tới Myanmar, đặc biệt là chuyến thăm đầu tiên trong hơn 50 năm qua của một ngoại trưởng Mỹ đã đánh dấu sự hội nhập sâu rộng hơn nữa của Myanmar vào cộng đồng thế giới. Trước năm 2003, Nhật Bản là nhà tài trợ lớn nhất của Myanmar, giờ đây, có thể Nhật Bản sẽ khôi phục vị thế này sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba vào tháng 12-2011.
Một quan chức Nhật Bản tháp tùng Ngoại trưởng nước này cho biết, Myanmar đổi thay nhanh hơn những gì Nhật Bản và nhiều nước khác dự báo. Hai nước thỏa thuận sẽ đàm phán về hiệp định đầu tư song phương. Nhật Bản không muốn chậm chân hơn Trung Quốc, Hàn Quốc và nhiều nước khác trong việc xây dựng các nhà máy nơi đây nhằm tận hưởng nguồn lao động chất lượng cao nhưng giá rẻ.
Với nguồn tài nguyên dồi dào và dân số trên 50 triệu người, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá Myanmar đang có triển vọng phát triển nhanh hơn nữa. Myanmar cũng là một trong số ít nước còn lại trong khu vực Đông Nam Á đang rất cần một số vốn đầu tư lớn vào các dự án cơ sở hạ tầng.
Những đổi thay của Myanmar được cả người dân nước này cảm nhận. Hãng tin AP dẫn lời ông Aung Kyaw Win, người làm chủ một trong những cửa hàng vàng bạc và đá quý nổi tiếng nhất Myanmar cho biết, nữ trang là một trong những ngành kinh doanh lớn nhất của Myanmar, ông tin rằng công việc làm ăn của ông sẽ phát đạt hơn.
“Tôi nghĩ rằng chính phủ nước tôi quả thật là đang tìm cách thay đổi rất nhiều. Chúng tôi thành thật tin tưởng như vậy vì chúng tôi đã nghe nói, chúng tôi đã đọc trên báo chí và chúng tôi có thể nhìn thấy họ đang thay đổi”, ông nói. Myanmar đang dần dần đơn giản hóa những thủ tục rườm rà cũng như giảm bớt độc quyền của các công ty nhà nước.
Theo các chuyên gia kinh tế, thật ra lệnh cấm vận của Mỹ cũng đã gây thiệt hại cho chính các công ty Mỹ vì họ sẽ là người đến sau các công ty của Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ… Chuyên gia về châu Á Carlyle Thayer cho rằng lệnh cấm vận của Mỹ và EU thực sự không ảnh hưởng lớn với Myanmar. Trong khi Mỹ và các nước phương Tây muốn cô lập Myanmar thì ASEAN vẫn dang rộng vòng tay kết nạp Myanmar vào tổ chức này năm 1997. Theo ông, chính điều này đã thúc đẩy Myanmar cải cách.
Thụy Vũ