Năm 2010, vẫn tổ chức 2 kỳ thi

Hơn 650 thí sinh bỏ thi lớp 10

Chiều 25-6, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo về kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 và một số vấn đề liên quan. Thông tin tại đây khẳng định năm 2010 vẫn tổ chức 2 kỳ thi: tốt nghiệp THPT và thi ĐH-CĐ.

Đậu tốt nghiệp cao nhờ “học thật, thi thật”

Tỷ lệ đậu tốt nghiệp THPT năm 2009 trên toàn quốc là 83,8%, cao hơn tỷ lệ đậu lần 1 của năm 2008 là 7,8% và thấp hơn tỷ lệ đậu cả 2 lần của năm 2008 là 2,8 %. Nam Định đứng đầu bảng với tỷ lệ đậu 98,26%. Khu vực đồng bằng Bắc bộ xếp thứ nhất. Sơn La đứng cuối bảng với tỷ lệ đậu 39,07%. Ở hệ GDTX, tỷ lệ đậu tốt nghiệp trên toàn quốc là 39,6 %, thấp hơn cùng kỳ năm 2008 là 2,8%.

Trên cơ sở Nghị quyết của QH về chủ trương đổi mới cơ chế tài chính GD-ĐT giai đoạn 2009-2015, ông Nguyễn Văn Ngữ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính Bộ GD-ĐT cho biết, tháng 7 này, bộ sẽ trình Chính phủ quy định trần học phí ĐH và GD nghề nghiệp; trình Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế tài chính GD-ĐT để từ 1-1-2010 thực hiện cơ chế tài chính mới (trừ học phí). Ông Ngữ cũng cho rằng, không lo việc các trường ngoài công lập sẽ ồ ạt tăng học phí sau khi công lập tăng, vì nếu tăng cao quá, sẽ không có ai... học.

Như vậy, tỷ lệ tốt nghiệp của giáo dục THPT tăng tương đối đồng đều ở tất cả các địa phương (chỉ có 1 tỉnh tỷ lệ đậu dưới 50%), không làm thay đổi nhiều về thứ hạng của các đơn vị trên toàn quốc so với năm 2008. Các địa phương có điều kiện GD tốt như khu vực đồng bằng Bắc bộ, các thành phố lớn vẫn có tỷ lệ đậu tốt nghiệp cao; một số tỉnh vùng sâu, vùng xa, biên giới, điều kiện GD còn khó khăn như vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên, ĐBSCL đậu thấp hơn.

Với kết quả này theo Bộ GD-ĐT một phần là nhờ vào 2 giải pháp mới là thi theo cụm trường và chấm chéo các bài thi tự luận. Theo ông Trần Văn Nghĩa, Cục phó Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng GD, đó còn là do các địa phương đã triệt để chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong GD và cuộc vận động “2 không” nên đã học thật hơn, thi thật hơn. Mặt khác, do năm nay bộ không tổ chức thi tốt nghiệp lần 2 nên học sinh đã “lo học” hơn, việc tổ chức ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi được các trường thực hiện tốt hơn.

ĐBSCL: Có biểu hiện “chấm chặt” môn Văn

Theo ông Trần Văn Nghĩa, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2009 lần đầu tiên thực hiện chấm chéo nhưng đã cơ bản thành công. “2 điều lo lắng nhất là khâu an toàn vận chuyển bài thi giữa các tỉnh và chấm sát phạt nhau đều không xảy ra. Chấm chéo chỉ có sự cố duy nhất là điểm Văn thấp bất thường ở một số tỉnh ĐBSCL”, ông Nghĩa nói.

Cụ thể, có 4 tỉnh (6% số đơn vị trong cả nước) đề nghị bộ xem xét lại việc chấm bài thi tự luận của các môn Ngữ văn và Địa lý vì điểm thi quá thấp so với năm trước. Trong đó, Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp đề nghị xem xét việc chấm môn Văn; Hậu Giang đề nghị xem xét việc chấm môn Địa lý.

Bộ đã cử các cán bộ ra đề thi và một số giáo viên có kinh nghiệm về chấm thẩm định theo xác suất khoảng từ 2%-5% tổng số bài thi các bộ môn tương ứng của các tỉnh Kiên Giang (do An Giang chấm), An Giang (do Vĩnh Long chấm), Đồng Tháp (do Bến Tre chấm) và Hậu Giang (do Bạc Liêu chấm) để đánh giá việc tổ chức chấm thi ở những tỉnh này.

Kết quả chấm thẩm định cho thấy, về cơ bản, quy trình chấm thi đảm bảo đúng quy chế. Tuy nhiên việc vận dụng hướng dẫn chấm của giám khảo một số địa phương có phần cứng nhắc. Cụ thể, về môn Văn, đối với bài thi của tỉnh Đồng Tháp (do Bến Tre chấm), trong số 229 bài chấm thẩm định có 36 bài có biểu hiện chấm chặt. Đối với bài thi của tỉnh Kiên Giang (do An Giang chấm), trong số 216 bài chấm thẩm định, có 31 bài có biểu hiện chấm chặt. Đối với bài thi của tỉnh An Giang (do Vĩnh Long chấm), trong số 217 bài chấm thẩm định chỉ có 11 bài có biểu hiện chấm chặt. Đối với bài thi môn Địa lý của tỉnh Hậu Giang (do Bạc Liêu chấm), trong số 225 bài chấm thẩm định có 2 bài có biểu hiện chấm chặt.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, bộ sẽ tiếp tục chấm thẩm định để rút kinh nghiệm các khâu coi thi và chấm thi của các địa phương. Trước mắt, quyền lợi phúc khảo bài thi của thí sinh sẽ thực hiện theo quy định của quy chế thi. Sau khi có kết quả chấm phúc khảo, bộ sẽ có kết luận cuối cùng về việc này.

Chưa tổ chức một kỳ thi

Kỳ thi tốt nghiệp 2009 được Bộ GD-ĐT coi là “tập dượt” để tiến tới kỳ thi THPT quốc gia, vừa công nhận tốt nghiệp vừa lấy điểm xét vào ĐH-CĐ. Tuy nhiên, chiều qua, Bộ GD-ĐT công bố, năm 2010, vẫn tổ chức riêng 2 kỳ thi: thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH-CĐ. Quyết định này ngay lập tức được báo chí chất vấn, liệu có hay không bộ “chùn tay” chưa dám tổ chức một kỳ thi chung như đã định, là do kết quả thi tốt nghiệp năm nay “có vấn đề”. Trả lời điều này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho rằng, việc còn một kỳ thi phụ thuộc vào nhiều vấn đề, trong đó có sự chuẩn bị của ngành, của các trường, của học sinh. Vì thế, cần phải tiếp tục có sự chuẩn bị chu đáo.

Điều đáng nói là việc tổ chức kỳ thi “2 trong 1” hiện nay cũng là mối quan tâm của toàn xã hội. Trả lời câu hỏi của PV Báo SGGP về việc bộ có lấy ý kiến của xã hội và có báo cáo Quốc hội về chủ trương này hay không, ông Nghĩa khẳng định, đúng là chủ trương này hiện nay “còn nhiều vấn đề”, trong đó vấn đề đồng thuận của xã hội cần tiếp tục giải quyết. “Bộ phải chuẩn bị kỹ hơn, có nhiều giải pháp hơn. Bộ cũng sẽ công bố với toàn xã hội và chỉ thực hiện khi nào được xã hội đồng thuận”, ông Nghĩa nói. Về vấn đề này, ông Trần Quang Quý, Chánh Văn phòng Bộ GD-ĐT cho biết, cuối năm 2010, Bộ GD-ĐT sẽ có tổng kết, báo cáo Chính phủ, lúc đó mới đề ra lộ trình tiếp theo.

Hơn 650 thí sinh bỏ thi lớp 10

Hôm qua, 25-6, gần 54.000 thí sinh (TS) TPHCM kết thúc kỳ thi vào lớp 10 năm học 2009-2010.

Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, kết thúc giờ thi môn Toán, TS tại các HĐT Trần Đại Nghĩa, Collette… phấn khởi vì đề thi khá dễ. Theo nhiều TS, đề thi môn Toán bao gồm 5 câu, trong đó yêu cầu cuối cùng của phần hình học là câu tương đối khó, chỉ những TS nắm kiến thức về đường tiếp tuyến mới giải được. Đề dễ nên nhiều TS chắc chắn “nắm” 7-8 điểm môn Toán. Nhiều giáo viên bộ môn Toán cũng cho rằng đề thi Toán năm nay tương đối, có độ phân hóa tốt hơn so với đề thi năm rồi. TS học lực khá dễ đạt 7-9 điểm nhưng không dễ đạt điểm 10 trọn vẹn.

Báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM cho thấy: Qua 2 ngày thi, TPHCM có 434 TS lớp 10 thường và 225 TS lớp 10 chuyên vắng thi không rõ lý giải. Ông Nguyễn Văn Ngai, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT phỏng đoán nguyên nhân TS vắng mặt: Có thể là do các em không tha thiết vào công lập vì đã có những chọn lựa khác, hoặc trong quá trình làm bài, TS thấy đề khó nên bỏ thi.

Hôm nay, 26-6, hơn 7.000 TS tiếp tục dự thi vào trường, lớp chuyên. Dự kiến ngày 18-7, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ công bố kết quả thi lớp 10.

 D.DOANH - T.HÀ


PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục