Năm 2012, duy trì tăng trưởng hợp lý

CPI chỉ ở mức 6,81%
Năm 2012, duy trì tăng trưởng hợp lý

Năm 2012 với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đã giúp nền kinh tế mang lại một số thành tựu vượt qua khó khăn. Đó là các chỉ số về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô giúp duy trì tăng trưởng hợp lý, đảm bảo an sinh xã hội... Dưới đây là một số chỉ số vừa được Tổng cục Thống kê công bố.

Sản xuất, chế tạo máy nông nghiệp xuất khẩu tại Công ty SVEAM. Ảnh: Cao Thăng

Sản xuất, chế tạo máy nông nghiệp xuất khẩu tại Công ty SVEAM. Ảnh: Cao Thăng

CPI chỉ ở mức 6,81%

Mặc dù kinh tế khủng hoảng, ảnh hưởng đến giá cả nhưng năm qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) được nhà nước kiểm soát tốt. Tháng 12 chỉ tăng 0,27% so với tháng trước và lạm phát cả năm được kiềm chế ở mức 6,81%. Việc kiểm soát tốt mức tăng của CPI là kết quả của công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá. Trong năm 2012 có tới 7 tháng CPI chỉ tăng dưới 1% và hầu hết các tháng chỉ tăng dưới 0,5%. Mức tăng cao nhất vào tháng 9 với mức tăng 2,20%, chủ yếu do tác động của nhóm thuốc và dịch vụ y tế và nhóm giáo dục. Mức tăng CPI đã chậm dần trong những tháng cuối năm.

CPI bình quân của nhiều nhóm hàng có mức biến động nhiều. Cụ thể, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng thấp hơn mức tăng chung (lương thực tăng 3,26%, thực phẩm tăng 8,14%, CPI bình quân chung tăng 9,21%), trong khi năm 2011 nhóm hàng này có chỉ số giá tăng cao nhất và cao hơn nhiều so với mức tăng chung (lương thực tăng 22,82%, thực phẩm tăng 29,34%, CPI bình quân chung tăng 18,58%).

GDP đạt hơn 5%

Mặc dù kinh tế khủng hoảng, DN gặp nhiều khó khăn, thế nhưng theo ước tính của ngành thống kê, GDP năm 2012 sẽ tăng 5,03%. Nhìn chung, mức tăng của quý sau cao hơn quý trước. Cụ thể, quý 1 tăng 4,64%; quý 2 tăng 4,08%; quý 3 tăng 5,05%; quý 4 tăng 5,44%. Mức tăng trưởng năm 2012 tuy thấp hơn mức tăng 5,8% của năm 2011 nhưng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp khó khăn, cả nước tập trung thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô thì đạt được mức tăng như vậy là thành quả của các biện pháp và giải pháp thực hiện của Trung ương Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Xuất siêu

Năm 2012 là năm xuất siêu đầu tiên của Việt Nam kể từ năm 1993 (284 triệu USD), đạt 114 tỷ USD. Xuất siêu hàng hóa chủ yếu ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với mức xuất siêu đạt gần 12 tỷ USD, tập trung ở nhóm hàng gia công lắp ráp. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 12 ước tính đạt 10,4 tỷ USD, tăng 0,5% so với tháng trước và tăng 15% so với năm 2011. Tính chung cả năm 2012, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so với năm 2011. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 42,3 tỷ USD, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 72,3 tỷ USD.

Trong năm 2012, nhiều sản phẩm thuộc nhóm hàng công nghiệp có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh như: Điện thoại và linh kiện 12,6 tỷ USD, tăng 97,7%; điện tử máy tính đạt 7,9 tỷ USD, tăng 69,1%; máy móc, thiết bị phụ tùng 5,5 tỷ USD, tăng 26,9%. Nhiều nhóm hàng nông sản tăng khá: Sắn và sản phẩm sắn tăng 55,2%; cà phê tăng 37,9%; cao su tăng 23,8%; hạt điều tăng 25,6%; gạo tăng 13,1%; chè tăng 10,4%. Đây là lần đầu tiên xuất khẩu gạo đạt trên 8 triệu tấn, tương đương 3,7 tỷ USD.

Hàn Ni

Tin cùng chuyên mục