Năm nay tôi trực tết...

Thi thoảng, chiếc radio nhỏ mà trước lúc qua đời ông nội để lại cho tôi lại vang lên giai điệu quen thuộc của ca khúc “Tự nguyện”, do cố nhạc sĩ Trương Quốc Khánh sáng tác: “…nếu là chim tôi sẽ làm loài bồ câu trắng; nếu là hoa tôi sẽ làm một đóa hướng dương; nếu là mây tôi sẽ làm một vầng mây ấm; là người, tôi sẽ chết cho quê hương…”.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc

Với tôi, giai điệu quen thuộc này đã nuôi lớn cả tuổi thơ và tâm hồn của mình, để rồi nếu được viết tiếp vế sau cho câu hát ấy, tôi muốn viết thật nhiều điều ý nghĩa nữa. Chẳng hạn như, nếu là ước mơ tôi sẽ chọn được cống hiến cho đất nước; nếu là mùa, tôi sẽ chọn là mùa xuân… Bởi mùa xuân là mùa của đất trời, là mùa của tết, mùa của yêu thương và đoàn viên…

picture2-7301.png

Còn nhớ những năm tháng còn là một cậu bé cấp ba, ngồi xem tivi với bố, tôi chỉ chọn những tập phim chiếu cảnh ngày tết của những người xa quê, chẳng hiểu sao nữa, nhưng lúc đó tôi thấy thương nhân vật và đồng cảm đến vô cùng. Có lẽ từ bao lâu, con người ta bôn ba ngược xuôi, tha phương nơi đất khách quê người để lao động, mưu sinh cũng chỉ mong thời khắc cuối năm, nơi mùa xuân đang chờ sẵn gõ cửa để được trở về bên gia đình, bên những người thân yêu của mình để cùng nhau kể lể, nhìn ngắm nhau kỹ hơn một chút, chia sẻ về những khó khăn trong chặng hành trình một năm qua. Lúc đó, tôi khóc, tôi khóc vì chính nhân vật trong phim, và tôi khóc vì tôi sợ một ngày nào đó, tôi cũng sẽ phải rơi vào hoàn cảnh như người ta…!

Tôi yêu tết lắm, dù cho có là một cậu bé 18 tuổi đi chăng nữa, tôi vẫn mong ngóng tết đến như lũ trẻ con xóm tôi. Tôi thích cái cảm giác được đi chợ tết cùng mẹ, thích được cùng bố lau dọn bàn thờ tổ tiên, thích được cùng chị gái lau sạch bộ bàn ghế và rửa sạch từng chiếc lá dong phụ mẹ gói bánh… Có lẽ nét đẹp của truyền thống Tết Việt Nam đã nuôi lớn tâm hồn của một cậu bé vốn “nhạy cảm” như tôi, tôi thích được nhìn thấy nụ cười của ông Dương – hàng xóm tôi vào đêm 30 Tết, dù cho những ngày khác trong năm ông có hay uống rượu say và to tiếng với mấy đứa nhóc con cạnh nhà; tôi thích ăn những quả trứng gà của bà Phương biếu tặng ông nội tôi dù cho những ngày thường bà có vẻ rất tiết kiệm… Có lẽ là tại vì tết, vì cái “ấm áp”, “đong đầy hạnh phúc” mà mọi thứ cũng trở nên thật dễ chịu và đáng yêu hơn bình thường. Nhỉ!

Ca sĩ trẻ Sobin Hoàng Sơn từng hát những giai điệu “…Đời nhiều cuộc phiêu du, nhưng chuyến mà ta mong đợi nhất. Chẳng phải là chuyến đi về nhà hay sao?...”. Đúng vậy, chuyến xe về nhà là chuyến xe ý nghĩa và hạnh phúc nhất, và nó lại càng trân quý hơn trong những dịp tết đến xuân về. Thế nhưng, cuộc sống sẽ có vô vàn trải nghiệm và câu chuyện mà chúng ta sẽ bỏ lỡ chuyến xe về quê dịp tết ấy...

Những người con xa quê, tha phương nơi đất khách cố thêm một tí để kiếm sống, để mưu sinh, những người lính nơi hải đảo xa xôi và cả tôi hôm nay, tôi của tuổi 21 – khi mình trở thành một chiến sĩ Công an nhân dân. Thật ra, năm nay tôi là sinh viên năm thứ hai của Học viện An ninh nhân dân và năm nay tôi phải trực tết ở học viện…

Đọc đến đây, có lẽ đâu đó mọi người đã cảm nhận được chút buồn man mác của một cậu bé vốn dĩ “yêu tết” và “lụy” cái không khí tết quê nhà như tôi rồi nhỉ!

Lúc có quyết định phải ở lại trường để làm nhiệm vụ trực tết, tôi hụt hẫng lắm, tôi gọi ngay cho mẹ và rồi xuýt xoa giọt nước mắt. Và rồi, bố mẹ, thầy cô và mọi người đều động viên tôi rất nhiều, tôi cũng không còn là đứa trẻ học sinh cấp ba hồi trước nữa, tôi nhìn nhận lại vai trò và vị trí hiện tại của mình và rồi tôi cố gắng thực hiện nhiệm vụ.

Năm nay tôi trực tết, năm nay tôi đón tết xa nhà…

Những ngày trước tết, chúng tôi ở đơn vị, ở trường cũng tổ chức nhiều hoạt động rất thiết thực, chẳng hạn như: gói bánh chưng, đốt lửa trại đêm Giao thừa, tất niên cuối năm…những chương trình đó phần nào giúp những người chiến sĩ trẻ tương lai chúng tôi an tâm làm nhiệm vụ, vơi đi nỗi nhớ nhà. Ấy thế mà tôi vẫn “thèm” cái cảm giác rộn ràng, hối hả sắm tết, dòng người kéo nhau về quê ngoài kia quá. Đêm 30, chúng tôi phải thay nhau trực gác, tôi muốn được gọi cho bố mẹ, gọi cho những người bạn để chúc mừng năm mới, không phải để kể lể hay than khóc mà là để mọi người tự hào về tôi, rằng tôi đã lớn và trưởng thành hơn rất nhiều.

Bởi lẽ chúng tôi đang làm những nhiệm vụ vô cùng cao cả, như nhạc sĩ Trương Quốc Khánh từng viết vậy : “…Nếu là người, tôi sẽ chết cho quê hương...”.

Tết xa quê cũng tủi thân thật đấy, nhưng bạn ơi, chúng mình cùng cố gắng nhé! Gửi chúng ta ngàn cái ôm.

VÕ ANH TUẤN

Tin cùng chuyên mục