Tò he về đâu?

Hôm nay là 25 Tết, không khí của mùa xuân đã bắt đầu bao trùm lên các ngõ ngách của TPHCM. Ban sớm, cụ Lý mau dậy để mà còn nặn tò he đem bán. Cứ tết đến là bọn trẻ lại trông tò he của cụ. Nhờ vậy mà cụ kiếm được một khoản tiền khá khẩm, cụ dùng tiền đấy để mua đồ chơi cho thằng chắt nhí nhảnh của mình.

to-he-ve-dau-7361.jpg

Mần được đến tầm bảy giờ, cụ xong. Đặt tò he lên xe, dắt ra ngoài cổng, xe của cụ chạy bon bon ra ngoài đường lớn, hết rẽ trái rồi lại rẽ phải. Cuối cùng, cụ dừng xe lại trước con đường tấp nập người qua lại, “Phố đi bộ Nguyễn Huệ”, một địa điểm tập trung nhiều người nhất nhì TPHCM vào mỗi dịp lễ tết.

Dắt con xe đạp cũ kỹ của mình vào trong dòng người, cụ Lý nghe được tiếng cười khoái chí đầy hào hứng của bọn trẻ. Cái âm thanh này làm cụ nhớ hồi cụ còn trẻ, cụ cũng từng đi chơi tết với bọn bạn cùng xóm.

Rồi chợt cụ nghe tiếng gọi í ới thân quen:

- Bác Lý ơi bác Lý, lấy con cây tò he đi bác.

- Ờ, cậu Lam đó hả? Cậu lấy cái nào.

- Dạ bác lấy con rồng đi, con bé nhà con khoái rồng lắm!

- Ờ rồi, đợi bác tí.

Lời vừa dứt, đôi tay cụ thoắt cái đã buộc xong cái túi đựng cây tò he. Cụ Lý đưa cái túi cho anh chàng nọ.

- Dạ con gửi bác tiền, bác đợi con tí.

- Bác cảm ơn!

-Tết này cũng vui bác nhỉ? Bao giờ bác về quê ạ?

-Ừ, cũng vui, cơ mà chỉ được ít hôm thôi à, đâu mùng một người ta về quê hết là phố xá vắng tanh ngay. Tui không về quê, bán xuyên tết vì ở dưới đấy cũng chả có ai để tui về ăn tết cùng, thà ở đây còn có thằng cháu. Còn cậu thì sao, bao giờ cậu về?

-Con ạ? Nay con dẫn mấy đứa nhóc đi chơi chợ hoa rồi mai nhà con về ạ, lâu rồi chưa về quê nên lần này bọn con tranh thủ để còn về lâu tí.

-Ừ, tuyệt thật nhỉ, quê cậu ở đâu?

-Thưa, quê con ở Kiên Giang ạ!

-Cũng xa phải biết!

Thôi, tui đi tiếp nhé, chúc cậu có cái tết vui vẻ và hạnh phúc nhen!

-Vâng, con chúc bác tết buôn may bán đắt ạ!

Cụ Lý tiếp tục đi, đến chiều thì cụ đổi chỗ bán. Không ở phố đi bộ nữa, cụ Lý dắt chiếc xe hàng của mình đi bộ dọc những vỉa hè vắng xe. Cái loa vắt ở đầu xe cứ luôn miệng rao “Tò he đây, tò he đẹp đây...”.

Lần này, người dừng những tiếng rao đó là một gương mặt lạ lẫm mà cụ chưa từng thấy từ thuở bắt đầu đi bán ở đây. Đó là một thiếu nữ độ 21, 22 tuổi, người vận chiếc váy hoa, tay đeo đồng hồ bạc.

- Dạ bác lấy con mười cây ạ.

- Nhiều dữ ta, cô mua cho bạn hử?

- Dạ không, mấy nay bạn con về quê cả rồi, con mua nhiều vì mê tò he thôi ạ.

- Cô lựa đi rồi tui gói cho. Mà sao cô còn ở đây? Tết này cô không về hả?

- Vâng bác ạ, tết này con ở lại mần đồ án cho xong. Tốt nghiệp rồi con về quê mần ăn phụ gia đình. Dạ đây, con chọn xong rồi ạ.

Cô gái đưa những que tò he mình đã chọn cho cụ Lý, cụ im lặng nhận lấy, cẩn thận gói chúng lại rồi bỏ thêm vào đó một cây tò he hình rồng nữa.

- Đây, của cô đây, hết 200 ngàn, nhưng tết tui lấy 150 ngàn thôi, cô giữ xem như tui lì xì cô hén.

Cô gái trẻ lấy ra tờ hai trăm nghìn đưa cho cụ Lí, cụ nhận lấy, dúi 50 nghìn thối lại rồi nhanh chóng đạp xe chạy đi như sợ cô gái chạy theo vậy.

Nhìn bóng dáng cụ Lý xa dần, cô gái cảm nhận được sự ấm áp chưa từng có, hành động của cụ làm cô ngớ người ra, nhưng rất nhanh, cô gọi với cụ.

- Con, con cảm ơn bác nhiều lắm ạ, ăn tết vui bác nhé!

Như đáp lại tiếng gọi của cô, tuy không quay đầu nhưng đôi tay của cụ huơ huơ trên không trung như đang chào tạm biệt cô vậy. Tay cầm chắc bịch tò he, cô gái quay về căn phòng trọ của mình với nụ cười tươi rói đọng lại trên gương mặt trái xoan.

Hết chiều rồi lại tối, cụ Lý tiếp tục dạo quanh những con hẻm của Sài Gòn, bán được còn đâu chục cây tò he mà trời cũng sập tối. Cụ Lý dắt xe ghé lại mái ấm tình thương ở cuối con đường. Đem tặng hết số tò he còn lại cho bọn trẻ ở đấy xong, cụ lại dắt xe hàng chậm rãi đi ra đường lớn.

Những chiếc xe máy chạy lướt qua mặt cụ rồi lại mất dạng, những ánh đèn pha ô tô lóe sáng trong mắt cụ rồi chạy mất. Cụ nhìn những dải ruy băng đỏ mừng xuân về treo trên những hàng quán và gốc cây. Cụ Lý ghé sang tiệm bánh.

Bánh ở đây giá nó đắt, mà nó thơm, ngon và ngọt lắm! Cháu trai cụ khoái lắm mà không dám vòi vì thằng nhỏ không muốn cụ tốn nhiều tiền như vậy. Mắt cụ lia tới chiếc bánh gato nhân socola, cụ nhớ cái bánh này. Ra là thằng bé hay vẽ cái bánh này đây mà. Thấy cụ tần ngần hồi lâu, cô bán bánh mới gói loại bánh đó lại.

Cô bước đến và đưa cụ Lý hộp bánh.

- Cụ Lý đó ạ? Cụ ghé mua bánh cho nhóc Tèo phải không? Đây, con gửi cụ, cụ nhận cho con vui nhé!

- Thôi, làm vậy sao mà được, để tui gửi lại cô.

- Thôi cụ ạ, cụ mà không lấy là con giận đó. Tiền bạc gì, tết cụ đem thằng Tèo sang chơi với bé Tủn nhà con là con vui rồi.

Cụ Lý ngập ngừng giây chút rồi nhận lấy hộp bánh.

- Cảm ơn cô nhiều lắm, để 30 tui dắt nó sang đây.

- Dạ có gì đâu, cụ tranh thủ về ạ, bánh đó để lạnh ăn mới ngon á cụ.

- Ừ, chào cô tui về.

Cụ Lý ôm lấy gói bánh vui vẻ ra về. Về đến nhà, cất con xe hàng của mình, cụ Lý mở cửa và nhìn thấy cháu trai của mình đang ngồi ôm gối xem hoạt hình. Nghe tiếng cửa lạch cạch, thằng nhỏ hí hửng quay sang nhìn, hỏi:

- Ông về ạ?!

- Ừ, ông đây.

Ừ nhỉ, hóa ra tết chẳng cần gì nhiều, ta và người ta yêu quý, quây quần bên nhau sum vầy đêm giao thừa, vậy là đủ.

ĐỖ LÊ ANH THƯ

TPHCM

Tin cùng chuyên mục