Nắn dòng kiều hối vào hạ tầng - Bài 1: Hạ tầng, nơi nào cũng phải làm ngay!

TPHCM cần hàng trăm ngàn tỷ đồng nạo vét kênh rạch, chỉnh trang đô thị. Ảnh: QUỐC HÙNG
TPHCM cần hàng trăm ngàn tỷ đồng nạo vét kênh rạch, chỉnh trang đô thị. Ảnh: QUỐC HÙNG

LTS: Năm 2023, lượng kiều hối gửi về TPHCM đạt kỷ lục với gần 10 tỷ USD, nhiều gấp 3 lần so với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong khi đó, hạ tầng TPHCM hiện đang quá tải, thiếu vốn nghiêm trọng, nhưng nguồn lực kiều hối quý báu này lại đang đứng ngoài cuộc. Làm thế nào để san sẻ một phần kiều hối chảy vào hạ tầng?

Hạ tầng là một trong những nút thắt lớn cản trở sự phát triển của TPHCM trong những năm qua. Không riêng lĩnh vực giao thông mà các công trình văn hóa - xã hội, trường học, bệnh viện cũng thiếu thốn hạ tầng nên quá tải trầm trọng.

Tắc nghẽn giao thông 4 cửa ngõ

Mấy chục năm qua, tình trạng kẹt xe 4 phía cửa ngõ Đông, Tây, Nam, Bắc của TPHCM ngày càng nghiêm trọng. Vào giờ cao điểm, hàng ngàn phương tiện nối đuôi nhau kéo dài và nhích từng chút một. Quốc lộ (QL) 13 là trục đường quan trọng ở cửa ngõ Đông Bắc TPHCM, đi xuyên qua Bình Dương và nối tới các tỉnh Tây Nguyên. Trong khi tỉnh Bình Dương đã mở rộng quốc lộ này lên 6 làn xe và sắp tới chuẩn bị tăng lên 8 làn xe thì đoạn đường ở TP Thủ Đức vẫn chỉ 2 làn xe! Khu vực này trở thành điểm ùn tắc giao thông nghiêm trọng thật dễ hiểu. Ông Nguyễn Quang, một cư dân ngụ tại đây cho biết, ùn tắc thường xuyên, rồi triều cường hay mưa là ngập nước.

QL 13 đoạn qua TPHCM chỉ dài khoảng 4,5km, thuộc dự án đầu tư xây dựng cầu đường Bình Triệu 2. Dự án thực hiện từ năm 2002, ban đầu dự kiến mở rộng lên 60m với tổng vốn đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng. Sau đó, do thiếu vốn nên giảm quy mô còn 43m, vốn đầu tư 3.200 tỷ đồng. Do vốn đầu tư vượt khả năng tài chính nên sau khi làm xong cầu Bình Triệu 2, năm 2004, nhà đầu tư xin dừng dự án. Tiếp đó, nhiều phương án đưa ra nhưng dự án vẫn giậm chân tại chỗ. Rồi Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết 437/2017 yêu cầu tạm dừng hình thức đầu tư BOT trên đường hiện hữu nên dự án này phải chuyển sang sử dụng vốn ngân sách đầu tư. Mới đây, nhờ Nghị quyết 98 nên dự án được tiếp tục triển khai…

Trong khi đó, tại cửa ngõ phía Đông, ngày nào dòng xe cũng nối đuôi nhau trên đại lộ Mai Chí Thọ, Lương Định Của, Đồng Văn Cống vào nút giao An Phú (TP Thủ Đức) để lên cao tốc TPHCM - Long Thành. Ngược lên các tuyến đường cửa ngõ Tây Bắc như Trường Chinh, Cộng Hòa, Tân Kỳ - Tân Quý, Hoàng Văn Thụ... tình hình cũng không khả quan, chuyện ùn tắc giao thông xảy ra như cơm bữa. Xuôi về cửa ngõ miền Tây, tuyến QL 1A, QL 50, Kinh Dương Vương, đường nối Nguyễn Văn Linh cao tốc TPHCM - Trung Lương, giao thông vào giờ cao điểm cũng luôn... căng thẳng.

TS TRẦN DU LỊCH: Hạ tầng là điểm nghẽn lớn nhất

Hạ tầng là 1 trong 2 điểm nghẽn lớn nhất của TPHCM lâu nay, bên cạnh điểm nghẽn về cơ chế. Nếu như cơ chế đã được tháo gỡ phần nào bằng Nghị quyết 98 mà TPHCM đang rất tích cực triển khai, thì hạ tầng vẫn là điểm nghẽn không thể giải quyết trong ngày một ngày hai, chủ yếu vì thiếu vốn (và cơ chế huy động vốn). Cần đầu tư nhiều hơn phát triển hạ tầng, trước hết là hạ tầng giao thông cho TPHCM và các vùng kinh tế phía Nam. Cao tốc thi công ì ạch, vành đai nhiều năm không khép kín được. Các mạng lưới đường vành đai, cao tốc đã sớm có trong quy hoạch, chứng tỏ nhu cầu lớn, tầm nhìn có nhưng đành “lực bất tòng tâm”.

O5b.jpg
Đường Nguyễn Văn Linh đoạn thi công hầm chui với giao lộ Nguyễn Hữu Thọ (quận 7, TPHCM) luôn trong tình trạng ùn ứ mỗi ngày. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Thiếu trường lớp, giường bệnh…

Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ TPHCM xác định chỉ tiêu trong nhiệm kỳ này đạt 300 phòng học/vạn dân trong độ tuổi đi học. Đến nay, mạng lưới trường lớp ở các ngành học, bậc học đã được phủ khắp phường xã, quận huyện và TP Thủ Đức với quy mô ngày một tăng. Năm học 2023-2024, TPHCM có 2.737 cơ sở giáo dục đào tạo, trong đó 1.481 đơn vị công lập, 1.256 đơn vị ngoài công lập. Tuy nhiên, thực tế nhiều trường có sĩ số cao hơn quy định của điều lệ trường, tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày còn thấp. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện không đảm bảo theo chuẩn quy định. Đặc biệt ở những địa bàn dân nhập cư đông vẫn thiếu trường lớp.

Hàng năm, số lượng học sinh tăng cơ học khoảng 40.000 em, nghĩa là TPHCM cần xây dựng thêm khoảng 1.000 phòng học. UBND TPHCM đánh giá, việc đầu tư xây dựng trường lớp chưa đáp ứng kịp nhu cầu thực tiễn về chỗ học cho học sinh, đặc biệt là ở khối phổ thông. Giai đoạn 2016-2020, toàn TPHCM có 721 dự án giáo dục được thông qua chủ trương đầu tư, với tổng kinh phí hơn 58.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ mới hoàn thành và đưa vào sử dụng được 415 dự án, với kinh phí gần 26.000 tỷ đồng.

Hạ tầng thiếu thốn, quá tải thì ở đâu cũng gây ra sự khó khăn, bất tiện cho người dân. Tuy nhiên, nhức nhối nhất trong việc quá tải hạ tầng có lẽ là ở bệnh viện. Những ngày này, thời tiết nắng nóng kết hợp với độ ẩm cao khiến người già, trẻ em đến khám và nhập viện tăng theo, tình trạng quá tải ở các bệnh viện thêm trầm trọng. Tình trạng này không chỉ gây khổ sở cho người bệnh và thân nhân, mà còn gây áp lực lớn lên đội ngũ nhân viên y tế. Vậy nhưng nhiều dự án xây dựng, cải tạo bệnh viện triển khai rất chậm.

Năm qua, ngành y tế thành phố “điểm mặt” 3 dự án chậm trễ, là: Khối nhà A Bệnh viện Trưng Vương; khu nội trú Bệnh viện Nhân dân Gia Định; Bệnh viện Răng hàm mặt TPHCM. Trong đó dự án khối nhà A Bệnh viện Trưng Vương khởi công từ tháng 11-2021, theo tiến độ phải hoàn thành vào tháng 3-2023, nhưng lần lữa mãi chưa xong.

“Điểm nóng” nhà trên kênh rạch, chung cư cũ

Từ vụ cháy lớn xảy ra tối 1-4 thiêu rụi dãy nhà ven kênh ở phường 2, quận 8, vấn đề di dời nhà trên và ven kênh rạch tại TPHCM một lần nữa được nhìn lại. Giữa thành phố ngày một phát triển, những dãy nhà lụp xụp, không đảm bảo điều kiện sống vẫn tồn tại, mặc cho chủ trương di dời và cải tạo đã có từ lâu. Năm 2021, TPHCM đặt ra chỉ tiêu giai đoạn 2021-2025 sẽ bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch. Nhưng đến hết quý 2-2023, cả thành phố mới bồi thường, di dời được 657 căn, chỉ đạt khoảng 10% kế hoạch. Trong chỉnh trang đô thị, thành phố mới thỏa thuận, di dời được 1.019 hộ dân tại 20 chung cư cũ. Trong số 16 chung cư cấp D (cấp nguy hiểm cao nhất) thành phố cũng chưa triển khai xây dựng mới được chung cư nào. Trong khi đó, việc xây dựng, phát triển các khu đô thị mới (Thủ Thiêm, Nam thành phố, Tây Bắc) cũng chậm.

Sở Xây dựng TPHCM nhìn nhận, kết quả di dời nhà trên và ven kênh rạch còn khiêm tốn, chậm tiến độ theo kế hoạch, chủ yếu tập trung ở các dự án sử dụng vốn ngân sách nhưng đa số cũng dừng lại ở công tác chuẩn bị đầu tư và bồi thường, trong khi chưa kêu gọi được dự án vốn ngoài ngân sách. Còn công tác tháo dỡ, xây dựng mới thay thế các chung cư cũ phần lớn dừng lại ở việc di dời, tạm cư người dân để đảm bảo an toàn đối với chung cư hư hỏng nặng, nguy hiểm. Do ngân sách thành phố còn hạn hẹp nên các dự án xây dựng mới thay thế chung cư cũ chủ yếu là huy động từ nguồn vốn của doanh nghiệp. Từ năm 2021 đến nay, thành phố chưa bố trí vốn chi thường xuyên cho các quận và TP Thủ Đức để thực hiện công tác kiểm định, sửa chữa; chưa có chung cư nào được sửa chữa.

104 hồ điều tiết chống ngập: vẫn nằm trên giấy

Theo đồ án quy hoạch đến năm 2025, TPHCM sẽ làm 104 hồ điều tiết giúp chống ngập, cải thiện môi trường. Dự kiến trước mắt xây dựng 3 hồ điều tiết tại Gò Dưa (TP Thủ Đức) rộng 23ha, Bàu Cát (quận Tân Bình) rộng 0,4ha và Khánh Hội (quận 4) rộng 4,8ha. Kinh phí từ nguồn xã hội hóa, ngân sách thành phố và ngân sách trung ương cấp bổ sung từ nguồn quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trong giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có động thái nào triển khai.

Tin cùng chuyên mục