
Ngày 17-10, tại buổi làm việc của Thường trực HĐND TPHCM về nội dung “Nhà ở xã hội - cung và cầu” với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM và 5 ngân hàng thương mại thực hiện gói cho vay hỗ trợ mua nhà ở 30.000 tỷ đồng, các đại biểu cho rằng, nếu kéo dài thời hạn cho vay của gói kích cầu này lên 20 - 30 năm thì người nghèo và người có thu nhập thấp mới có khả năng tiếp cận được.

Dự án Khu dân cư Phú Mỹ tại quận 7 có nhiều căn hộ diện tích dưới 70m² và giá dưới 15 triệu đồng/m². Ảnh: HUY ANH
Không có khả năng trả tiền vay
Báo cáo với đoàn giám sát Thường trực HĐND về gói hỗ trợ cho vay mua nhà ở 30.000 tỷ đồng trên địa bàn TP, ông Nguyễn Đức Lệnh, Trưởng phòng Nghiên cứu tổng hợp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TPHCM khẳng định 5 ngân hàng thương mại (NHTM) thực hiện cho vay gói kích cầu này (BIDV, Vietcombank, MHB, Agribank, Vietinbank) luôn đảm bảo vốn cho vay.
Cụ thể, theo chỉ đạo của NHNN, các NHTM này phải dành 30% trong tổng dư nợ tín dụng, tức khoảng 8.000 tỷ đồng để cho vay gói này. Tuy nhiên đến nay, trên địa bàn TP, trong 137 khách hàng ký kết vay với 78,4 tỷ đồng, mới có 58 khách hàng được giải ngân với 22,6 tỷ đồng. Ông Lệnh cũng thừa nhận dư nợ cho vay của TPHCM chỉ mới 22,6 tỷ đồng trong tổng số 90 tỷ đồng trên cả nước là còn chậm nhưng đây là gói cho vay trung và dài hạn nên cần thêm thời gian để đánh giá.
Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM Nguyễn Hoàng Minh cho rằng, để mua căn hộ dưới 70m2 với giá dưới 15 triệu đồng/m2 và thời hạn vay trong 10 năm thì người mua trung bình 1 tháng phải trả 5 - 6 triệu đồng tiền gốc và lãi. Tiếp lời, ông Nguyễn Việt Cường, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động TPHCM, nói: cán bộ công chức thu nhập 9 triệu đồng/tháng mà dành ra 6 triệu đồng để trả tiền ngân hàng cũng không khả thi chứ đừng nói đối tượng thu nhập quá thấp như công nhân với khoảng 3 triệu đồng/tháng thì việc mua nhà chỉ là trong mơ. “Lãi suất 6% là hợp lý nhưng phải kéo dài thời hạn cho vay lên đến 20 - 30 năm để giảm tiền trả ngân hàng hàng tháng” - ông Cường nói.
Đồng tình, ông Nguyễn Văn Danh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, phân tích: nếu kéo dài thời gian cho vay lên mức 20 năm thì người dân chỉ phải trả 3,5 - 4 triệu/tháng, nếu 30 năm thì số tiền phải trả khoảng 2 triệu đồng/tháng là hoàn toàn khả thi.
Nộp đơn nhiều, được vay ít
Theo ông Nguyễn Ngọc Thạch, Giám đốc Quỹ Phát triển nhà TPHCM, hiện nay cơ quan này đang thực hiện Chương trình cho vay tạo lập nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp cũng với mức lãi suất 6%. Mặc dù đối tượng quy định được vay hẹp hơn nhiều so với 8 đối tượng được vay gói 30.000 tỷ đồng nhưng trung bình mỗi tháng, quỹ này giải ngân khoảng 12 tỷ đồng.
Với kinh nghiệm thực hiện cho vay nhiều năm qua, ông Nguyễn Ngọc Thạch cho rằng, vướng mắc nhất hiện nay của gói 30.000 tỷ đồng là Bộ Xây dựng quy định “người vay chưa có nhà”, trong khi đó điều kiện đối tượng vay của chương trình mà TP đang thực hiện chỉ quy định “không có nhà tại thời điểm vay”.
Theo ông Thạch, với quy định của Bộ Xây dựng, việc địa phương không dám xác nhận cũng dễ hiểu vì việc xác nhận này liên quan đến trách nhiệm, trong khi đó, chương trình của TP quy định cán bộ hưởng lương được thủ trưởng cơ quan xác nhận tại thời điểm vay là không có nhà sẽ dễ dàng thuận tiện hơn so với quy định yêu cầu địa phương xác nhận việc này.
Trả lời chất vấn của đoàn giám sát: tại sao vẫn chưa có DN nào được vay và tiến độ cho vay còn quá chậm?, cần kiến nghị cơ chế gì?, đại diện Ngân hàng BIDV chi nhánh TPHCM cho biết, có rất nhiều DN muốn vay gói này nhưng không nhiều DN đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể, quy định DN được vay phải có đất sạch và được cấp phép xây dựng nhưng khi các DN đủ điều kiện này thì đã tiến hành vay các ngân hàng để thực hiện dự án trước đây rồi nên muốn tham gia vay gói này gặp không ít khó khăn trong việc làm thủ tục chuyển đổi. Từ khi triển khai gói kích cầu này, có 9 DN nộp đơn vay tại ngân hàng nhưng chỉ có 1 DN đủ điều kiện được vay.
Ông Vũ Ngọc Kình, Giám đốc Ngân hàng Agribank chi nhánh TPHCM cho rằng, thị trường chưa có nhiều căn hộ đáp ứng tiêu chí dưới 70m², giá bán dưới 15 triệu đồng/m² và đa số nằm ở những quận ven nên người dân cũng chưa mặn mà vay để mua. Bên cạnh đó, việc các địa phương không chịu xác nhận hiện trạng nhà ở nên nhiều hồ sơ còn vướng.
Về những vướng mắc trên, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Danh cho biết, Bộ Xây dựng đã điều chỉnh và có hướng dẫn mới theo hướng yêu cầu địa phương xác định thực trạng nhà ở đơn giản hơn. Về thị trường căn hộ, theo ông Danh, trong năm 2013, trên toàn TP sẽ hoàn thành 3.000 căn hộ nhà ở xã hội, do đó từ nay đến cuối năm, khi các căn hộ hoàn thành, tiến độ giải ngân của gói này sẽ nhiều hơn.
| |
HẠNH NHUNG