Nâng cao chất lượng giáo dục - Thay đổi từ nhận thức

Nâng cao chất lượng giáo dục - Thay đổi từ nhận thức

Hiện nay việc đổi mới quản lý để nâng cao chất lượng ở các trường gặp rào cản từ hệ thống quản lý bên trên và “sức ỳ” trong nhận thức cũng như hành động từ chính những người trong cuộc. Hội thảo “Tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục-đào tạo các tỉnh phía Nam” do Bộ GD-ĐT và Câu lạc bộ Giám đốc Sở GD-ĐT các tỉnh phía Nam tổ chức ngày 20-3 đã tiếp tục mổ xẻ vấn đề này.

Bệnh thành tích dây chuyền

Em Linh Thị Kim Thúy, Trường THPT Bình Khánh, tỉnh An Giang nêu câu hỏi với các nhà tư vấn. Ảnh: Mai Hải
Em Linh Thị Kim Thúy, Trường THPT Bình Khánh, tỉnh An Giang nêu câu hỏi với các nhà tư vấn. Ảnh: Mai Hải

Nhiều hiệu trưởng và cán bộ quản lý giáo dục cho rằng, hơn một năm trôi qua, việc thực hiện chủ đề “đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục” chỉ là “bình mới rượu cũ” nên chất lượng giáo dục vẫn chưa có bước đột phá. PGS-TS Trần Ngọc Giao, Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, cho rằng: Chương trình giáo dục vẫn còn quá tải, nặng nề. Học sinh học nhiều thứ và đang “dần đánh mất tuổi thơ”. Không những vậy, chương trình đào tạo chậm cải tiến và không đáp ứng được nhu cầu xã hội, đặc biệt các trường ĐH-CĐ chỉ dạy thứ mình có mà chưa đáp ứng được cái xã hội, sinh viên cần.

Bàn về vấn đề nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều giáo viên, hiệu trưởng than thở rằng phải đang chịu một sức ép quá lớn, ranh giới giữa chất lượng “thực” và “ảo” rất mong manh. Lý giải điều này, ông Phạm Ngọc Thắng, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Bình Trọng, tỉnh Khánh Hòa, bày tỏ: “Bệnh thành tích trong giáo dục như một hệ thống sản xuất dây chuyền từ lãnh đạo tỉnh, thành phố sang sở, trường, giáo viên, học sinh. Dùi đánh đục, đục lại đánh sân. Đơn cử một giáo viên dám mạnh dạn nói không với bệnh thành tích, dạy và đánh giá đúng thực chất của học sinh, cuối năm tỷ lệ tốt nghiệp thấp, giáo viên đó sẽ bị trường đánh giá là thi đua kém và tương tự, trường cũng sợ “mất điểm” với trường bạn, sở sợ “tụt hạng” với sở khác, tỉnh nhà thấy “tự ái”.

Đồng tình với quan điểm trên, TS Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Sở GD-ĐT An Giang, nói: “Bệnh thành tích là rào cản cho việc nâng cao chất lượng giáo dục hiện nay. Chúng ta bị ngộ nhận giữa việc thành tích cao trong giáo dục và chất lượng giáo dục cao. Điển hình là việc đánh giá học sinh THCS, tôi thấy học bạ của học sinh “rất đẹp”, nhưng khi vào lớp 10, nhiều em đuối dần, thậm chí phải bỏ học nửa chừng”.

Đội ngũ giáo viên thiếu và yếu

Gần 1/2 trong tổng số hơn 50 bài tham luận của 32 tỉnh thành phía Nam đã đào sâu về tình trạng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, người giữ vai trò then chốt trong việc đổi mới giáo dục hiện nay cần phải được đầu tư nhiều hơn nữa. Th.S Phan Minh Phùng, giáo viên Trường Cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD) TPHCM, bày tỏ: “Hiện nay, phương pháp đào tạo trong các trường sư phạm chậm đổi mới, dẫn đến trình độ chuyên môn và nghiệp vụ của một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng. Cần thay đổi mô hình đào tạo giáo viên truyền thống “nặng lý thuyết, nhẹ thực hành”. Khó có giáo viên giỏi, chuyên môn sâu khi các trường sư phạm chỉ trang bị cho sinh viên lý thuyết, còn mảng thực hành lại “đá” sang cho các trường phổ thông. Cách đào tạo hiện nay khuyến khích sinh viên sư phạm học vẹt để khi ra trường chính những giáo viên này lại “trả bài” học sinh bằng cách “dạy vẹt”.

Phân tích sâu hơn về vị trí, vai trò của người giáo viên trong công tác nâng cao chất lượng giáo dục, nhà giáo Hoàng Minh Hùng, Trường CBQLGD TPHCM, cho rằng: “Cần phải có một tổng đạo diễn để phối hợp hoạt động giáo dục của tất cả giáo viên dạy cùng một lớp và tập hợp sức mạnh lực lượng giáo dục trong xã hội nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục ở từng lớp học cụ thể. Tổng đạo diễn thực hiện sứ mệnh cao cả đó không ai khác ngoài giáo viên chủ nhiệm lớp. Do đó, việc nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên này là một nhiệm vụ cấp bách góp phần to lớn trong quá trình đổi mới giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục”.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhiều đại biểu cho rằng cần phải có kế hoạch đầu tư sâu cho đội ngũ giáo viên. Cụ thể, các trường sư phạm phải là đầu tàu về đổi mới phương pháp, nội dung giảng dạy để kéo dần hệ thống giáo dục đi lên. Mỗi một trường sư phạm cần liên kết với một tỉnh, thành phố để biết rõ nhu cầu thực tế giáo viên trong tương lai của địa phương và có kế hoạch đào tạo cho phù hợp. Có như vậy, bài toán giải quyết thiếu hụt đội ngũ giáo viên, mất cân đối về ngành nghề mới được giải quyết bền vững. Mặt khác, ngành giáo dục cũng cần xem lại chế độ hợp lý để giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm có thể làm tốt công tác chuyên môn và giáo dục học sinh, đồng thời cần có hệ thống giải pháp đồng bộ của nhà trường, gia đình và xã hội.


NGUYỄN THỦY

Tin cùng chuyên mục