Nâng cao chất lượng tăng trưởng để tự tin hội nhập

° Phóng viên:
Nâng cao chất lượng tăng trưởng để tự tin hội nhập

Hôm nay 8-6, Quốc hội sẽ tiến hành phiên thảo luận tại hội trường về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách. Trao đổi với phóng viên Báo SGGP ngay trước phiên thảo luận này, TS Nguyễn Đức Kiên (ảnh), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã nhấn mạnh yêu cầu về nâng cao chất lượng tăng trưởng như một nhiệm vụ trọng tâm của cả các cơ quan quản lý của nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp.

° Phóng viên: Thưa ông, tính đến thời điểm này đã đi qua gần nửa chặng đường của năm 2015, là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, qua thẩm tra báo cáo của Chính phủ và những nghiên cứu, trải nghiệm thực tế, ông có nhận định khái quát như thế nào về tình hình kinh tế - xã hội?

° TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN: Những tháng đầu năm 2015, kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực: tăng trưởng GDP quý 1 có mức phục hồi rõ rệt, thu ngân sách đạt khá ; lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm. Hoạt động đối ngoại song phương, đa phương được đẩy mạnh, quốc phòng, an ninh được đảm bảo. Tuy nhiên, chúng ta vẫn đang phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đúng như nhiều vị ĐBQH đã chỉ ra trong các phiên thảo luận tại tổ. Đáng lưu ý là mức tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản khá thấp. Một số chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, đóng tàu đánh bắt thủy sản... được đánh giá là chính sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước nhưng chậm triển khai trên thực tế; chất lượng nguồn lao động chưa đáp ứng nhu cầu...

Một chỉ dấu nữa cần lưu ý là xu hướng nhập siêu lớn trong những tháng đầu năm 2015, phần do hoạt động xuất khẩu sụt giảm (kể cả những hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam vốn có lợi thế); phần do nguồn hàng nhập khẩu bị phụ thuộc lớn vào một số đối tác. Dự báo xuất khẩu năm 2015 sẽ khó khăn hơn, nhất là cầu bên ngoài còn yếu và nhiều nước giảm giá mạnh đồng tiền so với đồng USD.

° Từ thực tế đó, ông nhìn nhận như thế nào về tình hình những tháng cuối năm?

° Những tháng còn lại của năm 2015 dự báo tình hình không thay đổi lớn so với đầu năm. Tôi cho rằng mức tăng trưởng GDP 6,2% và hầu hết các chỉ tiêu cơ bản mà Nghị quyết Quốc hội thông qua năm 2015 sẽ đạt được, nhưng vẫn còn băn khoăn về chất lượng tăng trưởng.

° Ông có thể nói rõ hơn về “chất lượng tăng trưởng”?

° Nếu nhìn nhận trong một khoảng thời gian dài hơn chứ không bó hẹp trong năm nay, có thể thấy nền kinh tế trong những năm qua xuất hiện sự phát triển “quá nóng” và được nhiều người cho rằng đó là hạn chế của nền kinh tế thị trường. Khi quan sát quá trình đổi mới trong gần 30 năm vừa qua, từ những năm 1992 trở lại đây, nền kinh tế được cởi trói những rào cản về mặt cơ chế chính sách nên bung ra trong mọi lĩnh vực, mọi ngành nghề. Việc phát triển theo chiều rộng tại thời điểm đó là hoàn toàn phù hợp với quy luật của nền kinh tế.

Điều cần nói ở đây là, chúng ta không biết điểm dừng của nền kinh tế đang được bung ra. Đúng ra, đến giới hạn nào đó căn cứ vào một số chỉ số vĩ mô như: tốc độ tăng trưởng, chỉ số ICOR, tổng mức đầu tư toàn xã hội, lạm phát, mức tăng trưởng xuất nhập khẩu… chúng ta phải dừng lại, phát triển theo chiều sâu. Thế nhưng chúng ta vẫn tiếp tục phát triển theo chiều rộng, thành ra nền kinh tế không có mũi nhọn. Chỉ sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội VI, từ một nước phải nhận viện trợ chúng ta đã trở thành quốc gia xuất khẩu lương thực. Vậy mà sau nhiều thành công của 30 năm đổi mới, đến nay, chúng ta vẫn lúng túng chưa chọn được khâu đột phá trong thời kỳ thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thời gian triển khai thực hiện kéo dài.

Nói một cách hình ảnh, chúng ta vẫn đang áp dụng chính sách “quả mít”, không có mũi nhọn, không có đầu tàu, không có đột phá. Điểm yếu của chúng ta còn là đầu tư dàn trải, cái gì Nhà nước cũng có, cái gì Nhà nước cũng làm, không chọn được chính xác lúc nào doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là chính, lúc nào DNNN phải thoái vốn. Những hạn chế này dẫn tới việc kìm hãm sự phát triển của kinh tế đất nước.

° Trên quan điểm đó, ông có những kiến nghị gì để nâng cao chất lượng tăng trưởng, nhằm chuẩn bị tốt hơn cho tiến trình hội nhập sâu rộng đang mở ra cho Việt Nam khi tham gia Cộng đồng kinh tế ASEAN và triển khai thực hiện TPP (khi hiệp định này được ký kết)?

° Tôi cho rằng ngay năm 2015, không nên lấy mục tiêu tốc độ tăng GDP là 6,2% hay 6,3% như là một chỉ tiêu bắt buộc phải đạt, cái quan trọng ở đây là hết năm 2015 chúng ta có tái cơ cấu xong nền kinh tế không, có đạt được mô hình tăng trưởng mới không để sang năm 2016 mô hình mới đó phát huy tác dụng và đảm bảo từ năm 2016 - 2020 kinh tế sẽ tăng trên 7%/năm.

Từ đó, theo tôi, Chính phủ cần tập trung vào một số vấn đề cụ thể. Chẳng hạn, về tái cơ cấu nền kinh tế nói chung, phải hoàn thành phê duyệt các đề án tái cơ cấu ngành, lĩnh vực và từng địa phương chậm nhất là cuối quý 2 năm 2015; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; coi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ khoa học, công nghệ cao là nhân tố quyết định để tăng năng suất lao động. Làm sao đến cuối năm 2015 bảo đảm cơ bản hoàn thành cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh, bền vững, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội. Giảm tỷ lệ vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ chi phối; tăng cường giám sát tài chính, giám sát hoạt động và đổi mới đội ngũ lãnh đạo quản lý doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN.

Đối với tái cơ cấu ngành nông nghiệp - vấn đề đang khiến nhiều vị ĐBQH và cử tri đặc biệt quan tâm hiện nay, giải pháp hàng đầu vẫn là công tác quy hoạch, kế hoạch sản xuất. Đồng thời quan tâm đến việc tổng kết, hoàn thiện mô hình quản lý, mô hình sản xuất nông nghiệp, phát triển mô hình kinh tế tập thể kiểu mới để thông qua các mô hình này có thể nâng cao hiệu quả việc ứng dụng khoa học công nghệ, chế biến sâu, tăng năng suất lao động và giảm rủi ro thị trường. Đặc biệt, cần kiên trì thực hiện các nguyên tắc thị trường trong quản lý kinh tế tiến đến tiệm cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, nhằm thiết lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, hình thành giá thị trường đối với mặt hàng xăng dầu, giá phí vận tải và giá dịch vụ khác. Cùng với đó là tiếp tục cải cách toàn diện nền hành chính công, cả từ thủ tục hành chính cho đến chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước để phù hợp với yêu cầu quản lý kinh tế trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng.

Xin cảm ơn ông!

ANH THƯ thực hiện

Tin cùng chuyên mục