Tìm giải pháp hợp lý, hiệu quả
Theo Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng, Phó Giám đốc Công an TPHCM, để công tác phòng ngừa cháy nổ hiệu quả, đòi hỏi lực lượng PCCC, chính quyền địa phương nắm chắc địa bàn, đánh giá được các bất cập, từ đó có các phương án, giải pháp khắc phục hợp lý. Qua rà soát, phân loại cho thấy, thành phố hiện có 41.461 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong đó có 12.481 cơ sở có nguy hiểm về cháy nổ. Công an TPHCM đã kiểm tra hơn 44.000 cơ sở, xử lý gần 5.000 cơ sở vi phạm, ra quyết định tạm đình chỉ hoạt động 3 cơ sở, đình chỉ hoạt động 1 cơ sở.
“Đối với các cơ sở bị xử phạt, Công an TPHCM giao công an các quận huyện thường xuyên phúc tra, theo dõi kết quả khắc phục, nếu chủ cơ sở cố tình vi phạm, để vi phạm tồn tại kéo dài, làm gia tăng nguy cơ cháy sẽ cương quyết xử lý, đình chỉ hoạt động”, Đại tá Nguyễn Thanh Hưởng cho hay.
Ngoài ra, thống kê cũng cho thấy thành phố có 474 chung cư cũ (xây dựng trước năm 1975). Hầu hết các chung cư này đều không có hệ thống PCCC, chủ yếu chỉ trang bị bình chữa cháy xách tay, nhưng nơi có nơi không, hoặc có nhưng không được bảo trì, bảo dưỡng.
Đồng thời, các nơi này đều không có ban quản lý, ban quản trị chung cư; phần lớn cư dân là dân lao động, thu nhập thấp. Do đó, việc đầu tư, khắc phục các tồn tại, bất cập về PCCC ở các chung cư cũ gặp rất nhiều khó khăn.
Công an TPHCM kiến nghị UBND TPHCM chỉ đạo các sở ngành, quận huyện có hướng khắc phục.Tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC được Công an TPHCM đánh giá là giải pháp trọng tâm. Thời gian qua, đơn vị không ngừng nâng chất giải pháp này bằng cách làm mới, sinh động các hình thức tuyên truyền.
Ngoài việc phối hợp với các báo đài phát sóng hàng trăm chuyên mục, chương trình “An toàn phòng chống cháy nổ”, “Toàn dân PCCC”, Công an TPHCM còn tăng cường các buổi nói chuyện, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC, tập huấn kỹ năng chữa cháy, thoát nạn tại các tổ dân phố, khu dân cư vào các ngày nghỉ cuối tuần và ban đêm để thu hút người dân, nhất là công nhân, lao động, chủ cơ sở tham gia, nâng cao nhận thức trong phòng ngừa cháy nổ.
Nâng chất đội ngũ PCCC
Con người là chủ thể chính trong PCCC, trong đó các lực lượng PCCC chuyên nghiệp, chuyên ngành, cơ sở và dân phòng là lực lượng nòng cốt. Tuy nhiên, trên thực tế các lực lượng này vẫn còn nhiều bất cập. Đơn cử như lực lượng dân phòng, hiện nay TPHCM có 1.991 đội dân phòng với 21.461 đội viên được trang bị phương tiện, tập huấn kỹ năng, nghiệp vụ về PCCC.
Tuy nhiên, phần lớn các đội viên có độ tuổi từ 40 trở lên, đa số là cán bộ nghỉ hưu, cựu chiến binh, kinh doanh tự do. Họ chủ yếu làm nhiệm vụ PCCC vào ban đêm, ban ngày làm việc khác, gây khó khăn cho công tác quản lý, huấn luyện.
Tương tự, lực lượng PCCC cơ sở cũng rất mỏng, chủ yếu là nhân viên bảo vệ của các cơ sở, thường xuyên nghỉ, thay mới, nên khó khăn về quản lý cũng như trang bị kỹ năng PCCC.
Từ năm 2019 đến nay, Công an TPHCM đã yêu cầu công an các quận huyện phối hợp với chính quyền địa phương, vận động quỹ hỗ trợ để có thêm kinh phí, thu hút người trẻ, có trình độ tham gia vào lực lượng này; từng bước củng cố về số lượng, nghiệp vụ để các lực lượng này hoạt động ổn định, hiệu quả.
Ngoài ra, để nâng cao khả năng ứng phó, xử lý đối với các sự cố cháy nổ xảy ra tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, thời gian qua, Công an TPHCM đã thành lập 17 đội PCCC chuyên ngành với 550 đội viên. Phần lớn các đội viên đều được huấn luyện, đào tạo chuyên ngành về PCCC, cứu nạn.
Đối với lực lượng PCCC - Cứu nạn cứu hộ chuyên nghiệp, Công an TPHCM đã đầu tư, xây dựng mới trụ sở tại các quận huyện còn thiếu. Đối với trang thiết bị PCCC, ngoài hệ thống trụ nước hiện có, thời gian qua, Công an TPHCM cũng phối hợp với các đơn vị liên quan đầu tư, xây dựng 114 hồ bơi, 67 hồ nước tự nhiên và 1.873 bể nước, đảm bảo nguồn nước chữa cháy khi có sự cố xảy ra.