Thực trạng này cho thấy, những giải pháp kiềm chế TNGT hoặc chưa đạt hiệu quả như mong muốn hoặc chưa theo kịp sự phát triển của nhu cầu thực tế. Đây là vấn đề được lãnh đạo Bộ GTVT và các chuyên gia tìm lời giải tại hội nghị An toàn giao thông (ATGT) được tổ chức ngày 29-11, tại Hà Nội.
Giải pháp nhiều nhưng hiệu quả ít
Theo Thượng tá, PGS.TS Lê Huy Trí (Học viện Cảnh sát nhân dân), trong giai đoạn 2016 - 2018, hậu quả tai nạn từ nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra 23.544 vụ, chiếm 39,4% tổng số vụ TNGT, làm chết 24.546 người, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Trong đó, vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện cơ giới nói chung và xe máy nói riêng vẫn đang là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn tới TNGT. Tuy nhiên, việc tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm hành vi này lại chưa hiệu quả, do lực lượng mỏng, trang thiết bị kỹ thuật hỗ trợ còn thiếu. Tương tự, giải pháp đội nón bảo hiểm (NBH) được coi là rất quan trọng trong việc hạn chế thương vong do TNGT cũng không được thực thi nghiêm túc. Theo kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Đại học Y tế cộng đồng, 1 trong 4 nguy cơ quan trọng liên quan đến tình hình TNGT tại TPHCM chính là tỷ lệ người dân đội NBH cao, nhưng tỷ lệ đội NBH đúng cách lại thấp, chỉ đạt 50%.
Các ý kiến chuyên gia đều chung nhận định rằng, nhiều giải pháp rất được kỳ vọng góp phần kéo giảm TNGT nhưng trên thực tế lại chưa đạt hiệu quả như mong muốn, do thực thi chưa nghiêm. Ví dụ, việc quản lý lái xe sau khi được cấp bằng chưa chặt chẽ, việc cấp đổi giấy phép lái xe cho cá nhân vi phạm Luật Giao thông, kể cả trong trường hợp gây TNGT còn khá dễ dàng. Việc tổ chức giao thông cũng chưa phát huy hiệu quả khi tình trạng thiếu hoặc hệ thống vạch sơn, biển báo hiệu giao thông chưa phù hợp còn phổ biến trên các tuyến đường tỉnh, đường huyện. Công tác quản lý an toàn kỹ thuật phương tiện vẫn để xảy ra tình trạng xe quá niên hạn sử dụng, xe cũ chất lượng kém không bảo đảm an toàn kỹ thuật tham gia lưu thông. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào xử lý vi phạm hành chính, hành vi vi phạm Luật Giao thông cũng còn nhiều vướng mắc...
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đề nghị Ủy ban ATGT Quốc gia, Bộ GTVT và các cơ quan chức năng chức năng tập trung vào giải pháp đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ trong bảo đảm ATGT. Theo đó, cần hình thành hệ thống giám sát tự động để giám sát hoạt động vận tải, các điểm giao thông phức tạp, xử các vi phạm theo hướng phạt nguội. Bên cạnh đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN), các sở GTVT, các doanh nghiệp vận tải cần khai thác tối đa các tính năng của thiết bị giám sát hành trình để quản lý phương tiện, tài xế và xử lý nghiêm những tài xế, chủ doanh nghiệp vi phạm tốc độ, thời gian lái xe, không kết nối thiết bị…
Trong công tác kiểm định, để đảm bảo chất lượng phương tiện, Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết đã và sẽ áp dụng công nghệ cao tại các trung tâm đăng kiểm. Các dây chuyền đăng kiểm thế hệ mới sẽ được hiện đại hóa, có khả năng điều khiển thông minh, kết nối dữ liệu với máy tính, tự động hóa quá trình đánh giá kết quả kiểm tra, hạn chế thấp nhất sự can thiệp của con người trong quá trình kiểm tra thiết bị.
Về công tác đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN cho biết, từ ngày 1-1-2020, các cơ sở đào tạo sẽ lắp camera giám sát phòng sát hạch lý thuyết, các bài sát hạch lái xe trong hình và được truyền trực tiếp về Tổng cục ĐBVN, các cơ quan có thẩm quyền để công khai. Từ ngày 1-5-2020, các cơ sở đào tạo sẽ lắp thiết bị theo dõi và giám sát thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1). Trong năm 2021, các cơ sở đào tạo sẽ trang bị ca bin học lái ô tô để bổ sung kỹ năng lái xe trên đường cao tốc, đường đèo núi, đường trơn trượt và lắp thiết bị giám sát thời gian, quãng đường học lái xe trên đường của học viên trên xe tập lái. Tổng cục ĐBVN cũng sẽ bổ sung nội dung sát hạch trên phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông từ 1-5-2021.