Nâng chất kích cầu hàng Việt

Dưới sức ép lạm phát, nhu cầu mua sắm đang chậm lại, nhà sản xuất và doanh nghiệp bán lẻ đang phải điều chỉnh hoạt động nhằm đưa các chương trình kích cầu đi vào chiều sâu để từ đó thu hút người tiêu dùng (NTD) hiệu quả hơn.
Các chương trình kích cầu đang được thực hiện có chiều sâu hơn trước đây
Các chương trình kích cầu đang được thực hiện có chiều sâu hơn trước đây

Áp lực sụt giảm mua sắm

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 4-2023 của Tổng cục Thống kê cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 2,81% so với cùng kỳ. Và tính bình quân 4 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,84% so với cùng kỳ. Cũng theo Tổng cục Thống kê, các nhóm hàng tăng giá trong tháng 4-2023 vừa qua gồm: nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 3,63%; nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 3,62%; thực phẩm tăng 2,89%; ăn uống ngoài gia đình tăng 5,35%.

Theo đánh giá của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), mặc dù diễn biến lạm phát hiện nay vẫn trong dự báo và phù hợp với xu hướng biến động của giá cả theo quy luật chung, tuy nhiên, dự báo thời gian tới, tình hình kinh tế, chính trị thế giới còn nhiều bất ổn, tác động đến giá các nguyên vật liệu đầu vào, mặt bằng giá chung, cung cầu hàng hóa trong nước và xuất khẩu… Những áp lực này dự báo sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, kéo theo lương thưởng của người lao động giảm, khiến họ phải thắt chặt hầu bao, từ đó tạo ra nhiều áp lực trong kinh doanh bán lẻ.

Kích cầu đi vào chiều sâu

Trên thực tế, tình hình kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh và tiểu thương tại TPHCM đang gặp nhiều khó khăn, đơn cử như ngành lương thực - thực phẩm. Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - thực phẩm TPHCM, thống kê quý 1-2023, chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến lương thực - thực phẩm của TPHCM giảm 1,75% so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành chế biến lương thực - thực phẩm trên địa bàn cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn vì sức mua của thị trường vẫn yếu. Ngoài thực phẩm, ghi nhận tại các chợ truyền thống như Phạm Văn Hai (quận Tân Bình), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh)… cũng cho thấy, việc kinh doanh đang ế ẩm, người bán nhiều hơn người mua. Trong khi đó, tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, mặc dù sức mua có tăng nhưng mức tăng không cao và không ổn định bởi trong giỏ hàng của NTD chủ yếu là các sản phẩm thiết yếu.

Đánh giá về thị trường hiện nay, Sở Công thương TPHCM nhấn mạnh đến yếu tố hàng hóa bị tồn, không tiêu thụ được là khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp. Để tăng sức mua và cơ chế giá tốt nhất cho NTD, ngay từ đầu quý 2-2023, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh, nhà bán lẻ trên địa bàn TPHCM đã tung ra hàng loạt hoạt động kích cầu tiêu dùng và đổi mới mô hình kinh doanh đáp ứng xu hướng thị trường. Đáng chú ý, các chương trình kích cầu này đi vào chiều sâu nhiều hơn, thay vì chỉ đơn thuần thực hiện giảm giá như trước đây.

Cụ thể, theo Sở Công thương TPHCM, việc kích cầu được thực hiện gồm bình ổn giá thị trường, xen kẽ cùng 2 chương trình khuyến mãi tập trung (đợt 1 trong tháng 6 và đợt 2 trong tháng 11-2023). Trong đó, với hoạt động bình ổn thị trường, hiện có 44 doanh nghiệp ngành hàng lương thực - thực phẩm, hệ thống phân phối lớn đăng ký tham gia với cam kết giữ giá ổn định trong suốt năm và luôn thấp hơn giá thị trường từ 10%-15%. Còn với hoạt động khuyến mãi thì không đợi đến tháng 6 mà ngay dịp lễ 30-4 và 1-5, các doanh nghiệp, nhà bán lẻ trên địa bàn đã đồng loạt tổ chức giảm giá mạnh để thu hút khách hàng. Điển hình trong số này là Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) đầu tư 27 tỷ đồng thực hiện giảm giá cho 27.000 mặt hàng trong 20 ngày liên tục, từ 20-4 đến 10-5. Nhờ việc thực hiện mạnh tay, đồng loạt mà sức mua hàng hóa tại các kênh siêu thị như Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food những ngày lễ đã tăng vọt gấp 2, gấp 3 so với ngày thường. Kết quả trên cho thấy, việc kích cầu đang đi đúng hướng và thực chất hơn vì đánh trúng tâm lý cũng như thị hiếu theo từng thời điểm của khách hàng.

Để có hàng hóa giá tốt cùng chương trình khuyến mãi kéo dài, trải đều trên khắp các ngành hàng như vậy, nhà bán lẻ Saigon Co.op đã làm việc rất chặt chẽ với doanh nghiệp cung cấp hàng hóa. Theo ông Nguyễn Anh Đức, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, nhà bán lẻ này và các nhà cung cấp đã có những trao đổi, thảo luận để qua đó có sự hỗ trợ tương quan, giúp hai bên cùng đứng vững trong điều kiện khó khăn.

Sắp tới đây, để việc kích cầu có hiệu quả hơn, Saigon Co.op sẽ phối hợp cùng các ngân hàng nhằm tạo điều kiện cho nhà cung ứng được tiếp cận nguồn vốn sản xuất, cung cấp hàng cho Saigon Co.op… Thông qua đó, nhà sản xuất sẽ có kế hoạch sản xuất, giá cả ổn định, yên tâm hơn về đầu ra cho sản phẩm do đã được Saigon Co.op bao tiêu.

Tin cùng chuyên mục