Đồng thời cảnh báo rằng “phát triển đô thị được tài trợ bởi chuyển đổi đất làm giảm mật độ đô thị và dẫn đến tiếp tục phát triển mở rộng tràn lan, tắc nghẽn và logistics kém hiệu quả”. Và để hoàn thiện dần quy hoạch không gian của thành phố, đặc biệt quản lý tài sản công, đất công hiệu quả thì chìa khóa để mở mọi cánh cổng chính là hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai và hồ sơ xây dựng; chính sách nắm giữ và thanh lý tài sản công được cải thiện với cơ sở dữ liệu về đất và tài sản công được cập nhật chính xác…
Nhìn rộng ra vấn đề quản trị TPHCM sau đại dịch, cách tiếp cận của WB đã cho thấy có sự thống nhất khá toàn diện với mục tiêu và kế hoạch hành động của chính quyền thành phố. Trong đó, cốt lõi là tăng tốc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu trong hoạt động, vận hành công tác quản trị để từ đổi mới công tác quản trị sẽ hình thành chuỗi động lực mới cho tăng trưởng thành phố trong tương lai.
Dữ liệu và liên thông cơ sở dữ liệu vẫn đang là một điểm nghẽn của bộ máy vận hành công nghệ số của thành phố. Ở thời điểm dịch bệnh hoành hành, khi thành phố tăng tốc tiêm chủng vaccine toàn dân và nhanh chóng triển khai chính sách an sinh, hai hoạt động này đều có sự phân tán, thiếu chính xác về dữ liệu tập hợp, thống kê từ cấp cơ sở đến thành phố, dẫn đến những thiếu sót, chậm trễ, gây bức xúc trong nhân dân.
Nó nằm trong những “thử thách” về kết nối kỹ thuật số mà WB đã chỉ ra: Dữ liệu bị phân mảnh và không cập nhật giữa các sở ban ngành, cản trở quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu. Thiếu tập trung vào nền tảng cho khả năng tương tác dữ liệu để đảm bảo liên thông dữ liệu và cung cấp các dịch vụ/ ứng dụng tốt hơn. Công chức, viên chức nhà nước chưa đủ năng lực trong việc đối phó với sự phức tạp của công nghệ… Do đó, để “Ra quyết định dựa trên dữ liệu: chìa khóa của chuyển đổi số và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội TPHCM” (hội thảo do UBND TPHCM phối hợp WB tổ chức ngày 16-12), không còn lựa chọn nào tối ưu bằng việc thúc đẩy xu hướng quản trị dựa trên dữ liệu, chuyển đổi số toàn diện các lĩnh vực quản trị công. Thành phố cũng đã có những bước đi đầu tiên trong chương trình chuyển đổi số đối với một số lĩnh vực. Quan trọng là phải tiếp tục cập nhật “phiên bản mới” sau đại dịch, với tốc độ nhanh hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn về mặt ứng dụng, thực thi.
Trước tình hình phải thích ứng linh hoạt, an toàn và tiếp tục đối diện với những rủi ro tiềm ẩn của biến thể Omicron, với sự vận hành của một nền kinh tế không tiếp xúc thì chắc chắn, dữ liệu sẽ là một yếu tố sản xuất mới trong nền kinh tế số. Các định hướng chiến lược mang tính nền tảng và bền vững đã được Chính phủ và lãnh đạo thành phố xác lập; quan trọng là triển khai như thế nào.
Với nội lực hiện tại (tài chính và con người), thành phố phải tìm mọi cách vừa khơi dậy, tập hợp nguồn lực nội sinh vừa tận dụng nguồn lực bên ngoài từ các đối tác quốc tế. Với nền kinh tế tri thức chuyển đổi số, không chỉ là nguồn lực tài chính mà còn là kiến thức, sự hiểu biết đủ để “nhúng” các công cụ số vào trong nền tảng quản trị nói chung; bài học thực tiễn chỉ ra cho mình cách làm đúng, cách nào chưa phù hợp.
Đó sẽ là “đường dẫn” cho sự hợp tác giữa TPHCM và WB. Lần này, mô hình triển khai tập trung vào những vấn đề khả thi, thiết thực nhất để có được hiệu quả thực tế: cùng thiết lập một tổ công tác chuyên trách để thúc đẩy các điểm hợp tác đã thống nhất với nhau. Cơ chế tổ công tác “một cửa” được đặt ra nhiệm vụ xử lý nhanh chóng các việc ưu tiên đặt ra với các đối tác, đo lường bằng những chỉ số định lượng kết quả cụ thể. Đây cũng chính là một kiểu kết nối - liên thông “dữ liệu” - con người để đảm bảo việc triển khai các hệ thống chất lượng đạt hiệu quả phục vụ một cách tốt nhất.