Theo đó, Việt Nam có nhiều sản phẩm nông nghiệp tiềm năng nhưng chủ yếu là xuất khẩu thô. Còn tại thị trường trong nước thì sản phẩm nông sản cũng bị hạn chế do niềm tin thương hiệu đối với người tiêu dùng không cao.
Thực tế trên, là do hoạt động chế biến nông sản của Việt Nam của các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, quy trình chất lượng theo thông lệ quốc tế cũng như phù hợp với các thị trường xuất khẩu. Sản phẩm nông sản Việt Nam lại không được quảng bá, giới thiệu nên tại thị trường trong nước cũng không chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.
Theo bà Marieke Van Der Pijl, chuyên gia Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham), Việt Nam là một trong những quốc gia định hướng phát triển xuất khẩu nông sản, thực phẩm và nằm trong nhóm dẫn đầu về xuất khẩu hàng hóa trên thế giới. Nếu có những cải thiện chất lượng, tăng sản phẩm chế biến thì nhiều mặt hàng Việt Nam có giá trị gia tăng cao hơn rất nhiều.
Để cải thiện tình trạng trên, doanh nghiệp Việt Nam cần tăng giá trị cao hơn cho sản phẩm bằng cách cải tiến bao bì, mẫu mã, trọng lượng… Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có gần 40 sản phẩm có chỉ dẫn địa lý. Điều này tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu ra thị trường thế giới, cũng như khẳng định mình tại thị trường nội địa. Đây là một công cụ hiệu quả mà doanh nghiệp cần kiên trì theo đuổi. Chính phủ cũng nên có cơ chế chính sách khuyến khích xây dựng và phát triển nhiều hơn nữa danh mục các sản phẩm có chỉ dẫn địa lý của Việt Nam.
Bà Nguyễn Kim Thanh, chuyên gia dự án Hàng Việt Nam chất lượng cao - Chuẩn hội nhập, cho rằng Chính phủ cần sớm hoàn thiện quy trình kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm, từng bước tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh cho các doanh nghiệp sản xuất chân chính.