Nâng chất trong xây dựng nông thôn mới tại TPHCM

Ngày 21-9, Khối thi đua 5 tổ chức hội nghị chuyên đề “Cả thành phố chung sức xây dựng nông thôn mới”. 
Thời gian qua, phong trào thi đua “Cả nước xây dựng nông thôn mới” huy động đông đảo cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan tham gia, đóng góp. Nhiều hoạt động thiết thực, có tính lan tỏa như: xây, sửa cầu đường, xây nhà, xóa nhà tạm, nhà dột nát, hiến đất làm đường…
Đến cuối năm 2016, TPHCM xóa 2.730 căn nhà tạm, dột nát tại các xã xây dựng nông thôn mới thuộc 5 huyện ngoại thành. Tổng kinh phí hỗ trợ gần 105 tỷ đồng.
Giai đoạn 2016 - 2020, TPHCM đầu tư hơn 40.600 tỷ đồng nâng cao chất lượng tiêu chí nông thôn mới khu vực ngoại thành. Trong đó, khoảng 60% số vốn trên do TP huy động từ cộng đồng, doanh nghiệp, tín dụng. Như vậy, TP ước tính đầu tư khoảng 726 tỷ đồng tại mỗi xã.
Như cả nước, TPHCM nỗ lực thực hiện mọi giải pháp nâng cao chất lượng tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới như: hỗ trợ khoa học công nghệ, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông thôn...
Theo lộ trình, đến năm 2018, 30 xã thuộc TPHCM sẽ đạt chuẩn nông thôn mới; năm 2019, TP có 26 xã và 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới. TP phấn đấu đến năm 2020 hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 5 huyện ngoại thành. 
Tại hội nghị, không ít đại biểu khẳng định xây dựng nông thôn mới là một tiến trình, đòi hỏi tính liên tục với sự nâng chất không ngừng các tiêu chí. Thế nhưng, không ít cá nhân, tổ chức ngộ nhận nông thôn mới là một danh hiệu. Vì thế, họ cố gắng bằng nhiều cách để nhận danh hiệu về nông thôn mới. Từ đó, nhiều ý kiến tham luận cho rằng, TPHCM không thể “chạy nước rút” nhằm đạt kế hoạch hay thực hiện, hưởng ứng theo kiểu “phong trào” mà cần đi vào chất lượng tất cả tiêu chí về nông thôn mới.
Quá trình xây dựng có thể chậm nhưng phải chắc; đồng thời hướng đến phát triển bền vững. Tóm lại, mọi nỗ lực trong xây dựng nông thôn mới đều xuất phát từ mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống, thu nhập người dân. Chính vì thế, chỉ số hài lòng của người dân là thước đo giá trị nhất khi nói về nông thôn mới. 
Khối thi đua 5 gồm: Đài Truyền hình (HTV) TP, Đài Phát thanh TP, Báo Sài Gòn Giải phóng, Nhà xuất bản Tổng hợp TP và 3 đơn vị chuyên môn đặc thù, gồm: Lực lượng Thanh niên xung phong, Viện Nghiên cứu và Phát triển, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM. 

Tin cùng chuyên mục