
Cách đây hơn 4 năm, Chính phủ đưa ra chỉ tiêu doanh số 500 triệu USD cho ngành công nghiệp phần mềm (PM) vào năm 2005. Con số này nói lên quyết tâm đưa công nghiệp PM thành một ngành công nghiệp lớn của đất nước. Nhưng đến nay, theo nhận định của các chuyên gia CNTT thì con số này vẫn là... kỳ vọng.
- TS Trần Hà Nam (Giám đốc Công ty Scitec): Phải biết người biết ta
Trong các năm 1999, 2000..., tôi thường nghe lặp đi lặp lại về các luận cứ ủng hộ ngành PM như “người Việt Nam có tư duy thông minh phù hợp với nghề lập trình”, nhưng không ai nói về trình độ chuyên nghiệp mà người Việt Nam chưa có; “ngành PM là ngành cần rất ít vốn ban đầu - chỉ cần vài máy vi tính”, nhưng không ai nhắc đến chi phí phân tích thích nghi, dịch vụ hậu mãi, chi phí tiếp thị …; “ngành PM là ngành siêu lợi nhuận – trông gương ông chủ Microsoft là Bill Gates mà coi”, nhưng không ai nhắc đến bao nhiêu doanh nghiệp (DN) phá sản...

Chúng ta đều biết, sức sống của một ngành được phản ánh qua thị trường, qua khách hàng. Một trong những nguyên nhân thành bại quan trọng cần xem xét là trình độ nhận thức của khách hàng về lợi ích của tin học hóa, và về phương pháp áp dụng CNTT sao cho hữu hiệu.
Một mặt chúng ta thấy mức độ áp dụng tin học tại các DN hiện còn rất thấp, có nghĩa là thị trường còn rất trống; mặt khác, chúng ta tìm kiếm hợp đồng tại các DN vẫn rất khó khăn, triển khai còn kém hiệu quả, thực tiễn đó chính là do nhận thức của các DN chưa cao.
Các công ty PM Việt Nam còn non yếu là việc hiển nhiên, nhưng làm thế nào rút ngắn thời gian tập sự? Trước đây trong các cuộc gặp mặt DN – chính quyền, chúng ta thường tập trung kiến nghị Nhà nước về những chính sách ưu đãi, những gì thuộc phạm vi chính quyền, nhưng chúng ta lại ít khi tư duy về thực trạng bản thân, về những gì các DN PM phải làm hoặc cần được yểm trợ để nhanh chóng trưởng thành, lớn mạnh, có sức cạnh tranh cao.
Những biện pháp kích cầu rất cần thiết (như Chương trình 112) vẫn có thể là con dao hai lưỡi, khi tiền mua hàng được đưa cho người mua là người thiếu hiểu biết về món hàng cần mua...
Có một điều tôi không hiểu là cho đến nay ngành thống kê vẫn chưa đưa ra được hệ thống tiêu chí và thống kê về hoạt động CNTT, làm cho việc tổng kết đánh giá trở nên khó khăn, kém chính xác. Nếu không chính xác không thể nhìn thấy thực trạng.
- Nguyễn Dũng (Giám đốc phát triển kinh doanh Công ty G.O.L): Lập diễn đàn về thương mại điện tử
Thương mại điện tử (TMĐT) là một xu hướng tất yếu và còn đầy tiềm năng ở Việt Nam. Hiện nay, khó khăn của các đơn vị đang làm TMĐT hoặc có ý định sẽ làm là hệ thống thanh toán và hệ thống giao nhận. Muốn TMĐT mạnh và phát triển, đáp ứng nhu cầu mọi khách hàng ở mọi nơi, họ cần phải biết cách để thiết lập và xây dựng hệ thống thanh toán phù hợp, đa dạng với đối tượng khách hàng, hệ thống phân phối rộng khắp để phục vụ nhanh. Cách thức bảo mật thông tin cũng là vấn đề lớn cần quan tâm. Kế tiếp nữa là vấn đề về kinh phí.
Để mọi cá nhân, đơn vị có thể học hỏi, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau, nhằm cắt giảm bớt thời gian mày mò chuẩn bị, thử nghiệm mà có thể ứng dụng hoặc sử dụng ngay những công nghệ sẵn có của những đơn vị đi trước đã trải qua quá trình thử nghiệm và thành công, chúng ta nên tạo ra một diễn đàn chung về TMĐT. Trong diễn đàn, tập trung những thông tin tư vấn cần thiết, những lời khuyên của các chuyên gia theo nhiều cấp độ.
Diễn đàn sẽ nêu lên những định hướng rõ ràng cho cá nhân, đơn vị có nhu cầu ứng dụng TMĐT, cách giải quyết những khó khăn. Diễn đàn sẽ chọn lọc đăng tải những nội dung về các điển hình ứng dụng TMĐT của các đơn vị, những số liệu, chỉ số phát triển TMĐT, những bài viết tư vấn, hướng dẫn bổ ích của các chuyên gia TMĐT, tôn vinh những hoạt động, giải pháp sáng tạo mới trong TMĐT, cung cấp thông tin về các dịch vụ hỗ trợ TMĐT, cập nhật những thông tin liên quan đến các hoạt động TMĐT...
Ngoài ra, thông qua diễn đàn, các nhà hoạch định có thẩm quyền cũng sẽ nắm bắt được những khó khăn, thuận lợi của DN, để đưa ra những chính sách, quyết định sát thực. Từ đó sẽ tạo nên những cú hích thật cụ thể về thuế giúp các đơn vị có thêm nguồn động lực để phát triển mạnh TMĐT cũng như giúp khuyến khích, thu hút thêm nhiều đối tượng đầu tư, ứng dụng TMĐT.
- Thân Trọng Phúc (Giám đốc Intel Việt Nam): Hỗ trợ tăng năng lực cạnh tranh của DN PM
Những khó khăn của doanh nghiệp trong nuớc thể hiện ở khả năng cạnh tranh thấp, khó đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tất cả các lĩnh vực và thiếu điều kiện về hạ tầng truyền thông hiện đại. Những chính sách đã được ban hành thường thiếu các kế hoạch triển khai cụ thể và sát thực. Theo chúng tôi, tam giác giữa chính quyền-doanh nghiệp-hiệp hội rất quan trọng. Cần tăng cường khả năng huy động nguồn vốn của các DN trong và ngoài nước để thực hiện các chương trình của chính phủ.
- Phí Anh Tuấn (Phó Giám đốc Công ty Giải pháp phần mềm AZ)
Phải có những chính sách cụ thể để giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển thị trường cho các DN PM trong nước, như: hỗ trợ kinh phí đào tạo về quản trị DN, quản trị chất lượng; các chính sách trợ giúp cho các DN PM Việt Nam có cơ hội tiếp xúc, xúc tiến thương mại… Sự hỗ trợ này phải đến được với các DN vừa và nhỏ, không chỉ bó hẹp ở một số các công ty lớn. Nên thành lập các trung tâm tư vấn mang tính quốc tế để đánh giá tính năng, chất lượng các sản phẩm của các DN PM Việt Nam.
Qua đó các DN PM cũng biết được điểm yếu, điểm mạnh của mình để khắc phục hoặc phát huy. Thông qua các đánh giá của trung tâm tư vấn quốc tế sẽ giúp xóa bỏ thái độ “Tây làm được – ta không làm được”. Ngoài ra, qua các tổ chức như vậy cũng sẽ giúp cải thiện hình ảnh “thương hiệu sản phẩm PM Việt Nam” trên mặt bằng chung của khu vực.
VĂN THANH