Chính phủ quy định rất nhiều cơ quan chịu trách nhiệm đối với chất lượng hàng hóa trên thị trường. Nhưng nói tới hàng gian, hàng giả, hàng kém chất lượng, ai cũng nghĩ trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý thị trường.
Mới đây, chúng tôi mua linh kiện xe hơi trên đường An Dương Vương, sau khi trả tiền, chủ cửa hàng đã ráp hàng cũ (hàng trầy xước) cho chúng tôi. Không đồng ý với chất lượng hàng hóa - nhất là hàng mình bị trộm lấy mất, giờ mua lại hàng cũ, chẳng khác nào tiêu thụ đồ gian, do những tên lấy trộm bán lại. Chúng tôi đã gọi đến cơ quan quản lý thị trường quận 5 nhờ can thiệp. Những tưởng sẽ được giải quyết, nào ngờ cán bộ rất nhiệt tình hướng dẫn chúng tôi đầu giờ hành chính đến… nộp đơn mới giải quyết.
Mặc cho chúng tôi giải thích, nếu chúng tôi đồng ý mua hàng, chỉ cần chạy xe ra khỏi cửa hàng là không còn bằng chứng nữa, vì chẳng ai biết sau khi tôi ra khỏi cửa hàng có va quệt gì hay không, và đây là hành vi vi phạm quả tang, cần xử lý ngay. Và câu trả lời nhận được: Quy định hành chính là vậy, không có đơn kiện, lãnh đạo không phân công cán bộ kiểm tra xử lý được!?
Trong khi đó, cũng vụ này, cửa hàng bán hàng không xuất hóa đơn giá trị gia tăng, chúng tôi đã gọi ngay đến Chi cục thuế quận 5 thì được cán bộ xuống xử lý. Nhiều cơ quan khác cũng thế, để bảo vệ và tạo thuận tiện cho dân, không ít nơi đã lập đường dây nóng 24/24 kịp thời xử lý chuyện của dân. Cũng là cơ quan hành chính nhưng cách làm và trách nhiệm với công việc khác nhau.
Với cách làm nặng nề thủ tục hành chính của cơ quan quản lý thị trường, người dân còn biết tin vào đâu, khi hàng gian, hàng giả ngày càng tràn ngập thị trường? Đó có phải lý do thời gian qua, người dân mua xe Piaggio đời 2010, bị lừa bán đời 2009? mua hàng điện tử điện máy của Nhật nhưng pin và các linh kiện là “made in China”?… Nhưng rồi chẳng ai, chẳng cơ quan nào chịu trách nhiệm trước dân khi để thị trường trở nên bát nháo, hàng gian, hàng giả hoành hành. Còn cơ quan quản lý chỉ biết làm việc một cách hành chính cứng nhắc?
Chế Hân