Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu 2008 - Nguyễn Tu Mi

Nặng trách nhiệm với cộng đồng

Nặng trách nhiệm với cộng đồng

(SGGP 12G).- Sinh 1963, chàng trai Sài Gòn gốc Bến Tre không thích phô trương những gì mình làm và cũng chẳng thích nói về mình, lần nào trò chuyện, anh cũng một câu khiêm tốn: “So với đàn anh đàn chị trong giới, mình chỉ là một doanh nghiệp nhỏ”. Thế nhưng ai đã biết anh, một thợ kim hoàn mới tập tễnh vào nghề ngày nào nay đã trở thành ông chủ khá nổi tiếng trong giới kinh doanh vàng, đang có trong tay 7 doanh nghiệp trực thuộc thì đều chung một nhận xét: Con người ấy không nhỏ chút nào.

Nặng trách nhiệm với cộng đồng ảnh 1

Thú vui sưu tập xe đồ chơi của anh Nguyễn Tu Mi.       Ảnh: VIỆT DŨNG

Gặp anh trước đêm diễn ra lễ trao giải Doanh Nhân Sài Gòn tiêu biểu năm 2008, anh chia sẻ: “Đây là lần thứ hai tôi đăng ký tham dự giải thưởng và được nhận giải. Song, giải thưởng năm nay có một ý nghĩa rất lớn với tôi, đó là một năm mà các doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn do lạm phát nên thành quả này là nỗ lực của tôi, của 160 nhân viên công ty cùng hợp sức đồng lòng. Mỗi khi nhận giải, tôi cảm thấy trách nhiệm của mình với xã hội, cộng đồng càng nặng thêm, trách nhiệm ở đây không chỉ xây nhà tình thương, làm từ thiện mà còn ngay trong cách kinh doanh của mình: Giữ chữ tín và đảm bảo chất lượng cho khách hàng."

-Từ một cửa hàng nhỏ kinh doanh vàng phát triển thành hệ thống gồm 7 doanh nghiệp. Hẳn anh phải trải qua một quá trình gầy dựng vất vả?

-Trước khi vào nghề này, tôi đã từng mua bán đồ điện tử. Mua bán thường trao đổi bằng vàng, nên tôi nảy ra ý định đi học nghề để kinh doanh trong  lĩnh vực này. Khởi đầu bằng một quầy vàng nhỏ chuyên gia công, sửa chữa đồ trang sức ở chợ, tôi tập tành buôn bán, thâm thập vào giới kinh doanh vàng để làm quen.

Năm 1989, khi thấy Nhà nước có những quy định thông thoáng về ngành vàng, sau một thời gian nhận làm hàng gia công, tay nghề đã khá hơn và có chút ít kinh nghiệm, tôi gom vốn mở một cửa hàng vừa gia công vừa buôn bán vàng mang tên Mi Hồng.

Có người bảo tôi liều, cũng có người cho rằng tôi biết chớp thời cơ, nhưng tôi đã quyết thì phải làm cho ra làm và quá trình vươn lên của tôi không ngắn chút nào. Tôi thường xuyên làm việc rất khuya, cật lực học hỏi, làm đi làm lại từng mẫu hàng để thuần thục tay nghề.

-Kinh doanh vàng là một nghề dễ gặp rủi ro, có người chỉ qua một đêm có thể nắm trong tay số tiền lớn, nhưng cũng có thể mất trắng. Anh đã bao giờ rơi vào trường hợp này?

-Trong kinh doanh vàng có nhiều mảng, chẳng hạn như mảng kinh doanh vàng bóng ký (mua bán sỉ), vàng nữ trang, trang sức. Hai hướng đi này hoàn toàn khác nhau và yếu tố may rủi, thời cơ thường rơi vào kinh doanh vàng bóng ký. Ở lĩnh vực này, người kinh doanh phải rất tỉnh táo để nhận định, phán đoán tình hình, nhất là khi giá vàng tăng giảm đột ngột.

Tôi chọn hướng kinh doanh vàng trang sức nên ít gặp yếu tố may rủi, nhưng lại có một khó khăn khác, đó là phải nhạy bén với thị trường để nắm bắt xu hướng thời trang, thị hiếu khách hàng để có mẫu mã riêng, làm sao để khách hàng đã đến với mình thì nhất định phải chọn được một sản phẩm vừa ý, và họ sẽ quay lại.

-Mi Hồng đã làm gì để tạo ra được sự khác biệt?

-Trong quá trình kinh doanh, chúng tôi phải tham khảo rất nhiều mẫu nữ trang từ nước ngoài và cả những mẫu nữ trang của các công ty lớn trong nước, tìm ra những nét mới, đặc sắc của từng mẫu đó để cho ra những sản phẩm của riêng mình. Làm ra một mẫu nữ trang không khó và hầu như ai trong nghề cũng có thể làm được, nhưng làm sao để khách hàng ưa thích mới là điều cực kỳ khó, và  đây cũng là yếu tố quyết định sự thành công.

-Một số hãng nữ trang lớn nước ngoài đã gia nhập thị trường VN, VN lại gia nhập “sân chơi toàn cầu”, anh đã làm gì khi cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn?

-Có nhiều mẫu nữ trang ở nước ngoài rất đẹp, rất tinh xảo mà mình không làm được vì không có máy móc, mặc dù tay nghề không thua kém. Hiện nay hầu hết doanh nghiệp vàng VN vẫn sản xuất theo kiểu thủ công, bởi nhập máy giá thành rất cao, nếu khấu hao thì giá thành sản phẩm không thể bán trong thị trường nội địa, mặt khác đã sản xuất bằng máy thì phải sản xuất hàng loạt, số lượng lớn trong khi thị trường VN vẫn chưa thể đáp ứng.

Quan điểm của tôi là luôn tìm cách học hỏi, hợp tác để tạo cơ hội cho mình làm ăn. Theo tôi, có thể thời gian đầu hội nhập chưa khó khăn lắm vì doanh nghiệp nước ngoài phải tìm các doanh nghiệp bán lẻ của mình để hợp tác, nhưng về sau, khi họ đã có thị trường thì chắc chắn mình sẽ gặp khó khăn. Làm thế nào để giữ được cái mình đang có, làm thế nào để vừa có sản phẩm chất lượng cao vừa có giá thành cạnh tranh mà vẫn có lãi là một thách thức. Đó cũng là  vấn đề mà tôi lo ngại.

- Năm 2008, trước cơn lốc lạm phát, nhiều doanh nghiệp phải phá sản, anh đã làm gì để Mi Hồng đứng vững ?

-Với phương châm chậm mà chắc, chúng tôi không đầu tư dàn trải theo phong trào mà đều cân nhắc và xác định tính hiệu quả. Chẳng hạn không quan tâm mở rộng mua bán vàng tài khoản mà luôn trung thành với những công đoạn tìm kiếm mẫu mã đưa ra thị trường những sản phẩm mới lạ, sang trọng  và thanh lịch về kiểu dáng nhưng với giá cả bình dân.

VY MINH QUÂN

Tin cùng chuyên mục