Cuộc họp cấp ngoại trưởng 28 nước thành viên NATO đang diễn ra ở Brussels (Bỉ) với quyết tâm hình thành lực lượng quân sự sẵn sàng triển khai nhanh chóng đến các cuộc xung đột ở Ukraine và nhiều nước khác ở Đông Âu.
Một cuộc tập trận của NATO ở Ukraine
Mở rộng lớn nhất từ sau Chiến tranh lạnh
Theo Washington Post, lực lượng phản ứng nhanh của NATO (Task Force - TF) trước mắt sẽ gồm từ 3.000 - 4.000 binh sĩ của Đức, Na Uy và Hà Lan. Dự kiến, TF sẽ hình thành vào đầu năm 2015, đánh dấu sự mở rộng quân sự lớn nhất của NATO kể từ sau Chiến tranh lạnh.
Quyết định thành lập TF được xem là một phép thử với NATO trước những diễn biến mới ở Đông Âu cũng như nhiều khu vực khác trên thế giới mà các nhà phân tích cho rằng đã dồn NATO vào thế bị động. Từ Hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 9 vừa qua, NATO đã đề cập đến việc thành lập TF với ít nhất 6.000 binh sĩ.
Tuy nhiên, với động thái này, một số nhà phân tích quan ngại về một cuộc đối đầu lớn hơn giữa NATO với Nga sau khi Mátxcơva tuyên bố sẽ tăng cường tập trận quân sự trong những năm tới tại Đông Âu. Hãng tin AP dẫn lời Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói thẳng rằng: “Những gì chúng tôi đang làm là để đối phó với Nga”. Theo ông Jens Stoltenberg, các hoạt động quân sự của Nga gia tăng ở Đông Âu có thể vượt ra ngoài tầm kiểm soát. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng tất cả các nước thành viên NATO cần bảo vệ biên giới của khối. Theo ông John Kerry, cái giá để đảm bảo an ninh trong thế kỷ 21 là “không hề rẻ”.
Phản ứng về việc NATO thành lập TF, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexei Meshkov trả lời phỏng vấn hãng tin Interfax cho rằng NATO đang cố tình làm mất ổn định tình hình khu vực Đông và Bắc Âu. Theo ông Meshkov, các cuộc tập trận quân sự bất tận của NATO, việc chuyển giao máy bay có khả năng mang vũ khí hạt nhân tới vùng Baltic là rất đáng ngại.
NATO ngoài việc cử quân tới các nước Latvia, Litva và Estonia, họ còn gia tăng viện trợ quân sự cho các nước này và cả Ukraine.
Đức không muốn căng thẳng thêm với Nga
Cũng tại cuộc họp cấp ngoại trưởng NATO, Đức đã kêu gọi NATO thiết lập một hệ thống cảnh báo sớm với Nga để ngăn chặn bất kỳ sự cố quân sự nào vượt khỏi tầm kiểm soát.
Theo Reuters, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier cho rằng sau khi NATO ngừng quan hệ hợp tác với Nga, hai bên có rất ít khả năng trao đổi thông tin về các cuộc tập trận và các chuyến bay tuần tra. Theo Ngoại trưởng Đức, NATO phải có nghĩa vụ không để tình hình căng thẳng với Nga vượt khỏi tầm kiểm soát và dẫn đến một sự leo thang quân sự. Phát biểu với các phóng viên, Ngoại trưởng Frank-Walter Steinmeier nói NATO cần một số kênh để kiểm chứng các hoạt động quân sự của Nga.
Một nhà ngoại giao cho biết, một số quốc gia trong đó có Pháp, Đức và Italia đã ủng hộ một đề nghị để sử dụng Hội đồng Nga - NATO hiện có như một cơ chế để tránh leo thang căng thẳng. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói những bế tắc giữa Nga và phương Tây về Ukraine có thể còn diễn ra trong thời gian dài. Thủ tướng Slovakia Robert Fico quan ngại rằng cuộc khủng hoảng Ukraine nếu không kiểm soát được sẽ phát triển thành một cuộc xung đột lớn liên quan đến nhiều quốc gia. Theo ông Robert Fico, xác suất của một cuộc xung đột quân sự từ Ukraine lan rộng là 70%. Kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine bùng nổ, các đại sứ Nga và NATO chỉ mới gặp nhau 2 lần.
Trong một động thái tránh làm gia tăng căng thẳng, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier kêu gọi NATO chỉ xem Ukraine là đối tác chứ không kết nạp nước này làm thành viên. Trong một tuyên bố, nhiều ngoại trưởng thành viên NATO cho rằng Ukraine trước mắt cần cải tổ kinh tế và đẩy mạnh chống tham nhũng. Nga xem việc NATO kết nạp Ukraine là hành động đe dọa trực tiếp tới an ninh Nga.
THỤY VŨ (tổng hợp)