Nền kinh tế không có biểu hiện giảm phát

* Bộ Nội vụ lập tổ công tác kiểm tra việc bổ nhiệm giám đốc sở 30 tuổi
Nền kinh tế không có biểu hiện giảm phát

* Bộ Nội vụ lập tổ công tác kiểm tra việc bổ nhiệm giám đốc sở 30 tuổi

Trong hai ngày 30-9 và 1-10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9. Nhiều vấn đề nóng cũng đã được giải đáp tại cuộc họp báo của Văn phòng Chính phủ tối 1-10.

Không thỏa mãn với kết quả đạt được

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, kết quả 9 tháng năm 2015 đạt được rất đáng mừng trong bối cảnh nền kinh tế đối diện không ít khó khăn, thách thức. “Từ nay đến cuối năm, cần tiếp tục nỗ lực, phát huy những gì đã đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế để đạt kết quả cao hơn nữa”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chức năng tiếp tục bám sát mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo mọi thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Theo dõi sát tình hình kinh tế thế giới và trong nước, nhất là các động thái của các quốc gia có tác động lớn đến Việt Nam để phối hợp thực hiện đồng bộ, kịp thời các chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác nhằm thực hiện mục tiêu đã đề ra từ đầu năm. Điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát và tình hình kinh tế vĩ mô, ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam, kiểm soát tỷ giá, thị trường ngoại hối. Theo dõi sát diễn biến của giá xăng dầu thế giới để chủ động có những giải pháp ứng phó kịp thời. “Không được thỏa mãn với kết quả bước đầu đạt được, phải quyết liệt hơn nữa với các việc làm cụ thể, không chỉ trên giấy tờ mà trên cả thực tiễn. Ngành tài chính tập trung hơn nữa vào lĩnh vực thuế, hải quan, bảo hiểm; ngành tài nguyên và môi trường tập trung vào lĩnh vực đất đai… Tôi nhắc lại đây hoàn toàn là những việc nằm trong tầm tay, không có gì xa vời” - Thủ tướng nói.

Tại cuộc họp báo Chính phủ, một số ý kiến lo ngại lãi suất huy động tăng do ảnh hưởng của việc điều chỉnh tỷ giá có thể dẫn đến tăng lãi suất cho vay, đi ngược với chủ trương tiếp tục giảm lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng, thời gian qua, trước những biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh tăng tỷ giá 1% và nới rộng biên độ tỷ giá từ +/-1% lên +/-3%. Đây là việc làm cần thiết, kịp thời, phù hợp, hạn chế tác động bất lợi từ bên ngoài. Tuy nhiên, do lạm phát đang ở mức thấp, để ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, Thủ tướng chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất. Thực tế mặt bằng lãi suất vẫn đang ổn định sau khi điều chỉnh tỷ giá và so với cuối năm 2014 đã giảm khoảng 0,2-0,5%/năm. Từ nay đến cuối năm và đầu năm 2016, theo chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành tiếp tục bám sát diễn biến tình hình thế giới và trong nước, có đối sách, giải pháp phù hợp, tiếp tục thực hiện nhất quán mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đã tăng khá mạnh. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Với việc chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 rơi xuống mức âm lần đầu tiên trong 10 năm qua (đây là diễn biến tiếp theo khi mà hai năm qua, nhiều tháng lạm phát xuống rất thấp so với thường lệ), ông Nguyễn Văn Nên cho rằng, CPI tháng 9 giảm 0,21% so với tháng trước chủ yếu do giá xăng, dầu, giá gas trong nước tiếp tục giảm mạnh. CPI 9 tháng đầu năm tăng thấp, tuy nhiên không có biểu hiện giảm phát mà còn có lợi cho nền kinh tế cũng như doanh nghiệp và người tiêu dùng. Trên thực tế, tiêu dùng trong nước, sức mua và tổng cầu đã tăng khá mạnh. Tăng trưởng kinh tế 9 tháng cao hơn cùng kỳ nhiều năm trước (tốc độ tăng GDP 9 tháng đầu năm đạt 6,5%, mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 4 năm trước).

Thủ tướng sẽ có chỉ thị về giải quyết tình trạng ngập úng tại TPHCM, Hà Nội

Trả lời câu hỏi với tình trạng ngập và tắc đường trầm trọng tại TPHCM, Hà Nội, Chính phủ sẽ cùng hai thành phố giải quyết vấn đề này như thế nào? Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho rằng, thời gian qua, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành và hai thành phố tập trung giải quyết và đã đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn còn bất cập. Cùng với việc chỉ đạo chính quyền hai thành phố và các bộ, ngành liên quan tiếp tục triển khai các quy hoạch thoát nước, chống ngập đã được phê duyệt. Tập trung nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình và giải pháp phù hợp, tạo chuyển biến căn bản, rõ rệt, trong đó có các công trình, dự án quan trọng như dự án Tham Lương - Bến Cát, Nhiêu Lộc - Thị Nghè, mở rộng nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng (tại TPHCM); dự án bơm tiêu công suất lớn ở Yên Nghĩa, Nhà máy xử lý nước thải ở Yên Xá, mở rộng trạm bơm Yên Sở, đẩy nhanh tiến độ của dự án thoát nước giai đoạn 2, nạo vét sông Tô Lịch, sông Nhuệ (tại Hà Nội). Tới đây Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị về giải quyết tình trạng ngập úng tại các đô thị, trong đó, tập trung rà soát các quy hoạch đô thị, quy hoạch thoát nước; các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật...

Liên quan đến vụ việc nhà 8B Lê Trực (Hà Nội) hiện đang được dư luận hết sức quan tâm, tại phiên họp báo Chính phủ, báo chí chất vấn, theo báo cáo của Hà Nội, trong quá trình triển khai dự án này, Hà Nội đã phát hiện, xử lý những sai phạm. Tuy nhiên, do không triệt để nên dẫn đến sai phạm nghiêm trọng như hiện nay. Vậy các cơ quan liên quan sẽ bị xem xét trách nhiệm ra sao, có cần Thanh tra Chính phủ vào cuộc hay không? Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, Văn phòng Chính phủ mới chỉ nhận báo cáo của Hà Nội, đang chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng. “Nếu báo cáo chưa đầy đủ, hoặc còn nhiều vấn đề cần làm rõ thì Văn phòng Chính phủ sẽ đề xuất Thủ tướng lập đoàn thanh tra làm rõ trước khi Thủ tướng có quyết định, điều đó là bình thường”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên khẳng định.

Trả lời câu hỏi quy trình bổ nhiệm Giám đốc Sở KH-ĐT 30 tuổi của Quảng Nam có nhiều điều “khó hiểu”, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, việc bổ nhiệm các chức danh quản lý chủ yếu căn cứ các quy định của Đảng, Nhà nước về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục để bổ nhiệm. Vừa qua báo chí đã nêu có nhiều khó hiểu với việc bổ nhiệm này, Bộ Nội vụ đã nắm bắt thông tin. Tuy nhiên để có câu trả lời chính thức, xác định chính thức việc bổ nhiệm này có đúng các quy định về tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục, điều kiện hay không thì Bộ Nội vụ đã thành lập tổ công tác vào Quảng Nam để xem xét lại hồ sơ bổ nhiệm. Hiện nay, bên cạnh các quy định của Chính phủ, Bộ Nội vụ, các cơ quan Nhà nước về tiêu chuẩn chức danh quản lý thì các bộ ngành, địa phương có thể bổ sung thêm một số tiêu chuẩn, điều kiện để bổ nhiệm. Tuy nhiên không được trái với các quy định của Trung ương, Đảng, Chính phủ. Sau khi tổ công tác kiểm tra xong, Bộ Nội vụ sẽ có họp báo về vụ việc này và công khai kết luận của Bộ Nội vụ.

PHAN THẢO 

Tin cùng chuyên mục