Nên tổ chức cho tốt, không nên cấm

Cách đây 6 năm, trước dư luận xã hội về việc dạy thêm, học thêm của thầy cô giáo và học sinh, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo bấy giờ đã có Chỉ thị số 15 (ngày 17-5-2000) về các biện pháp cấp bách tăng cường quản lý việc dạy thêm và học thêm. Tuy nhiên trước một thói quen tương đối có nhiều cơ sở để giải thích, chỉ thị này đã không có tác dụng nhiều. Thầy cô giáo vẫn cứ dạy thêm và học trò vẫn đông đúc theo học thêm.

Vì sao lại có hiện tượng xã hội phổ biến này. Trước hết phải nói rằng dân ta vốn hiếu học, suy nghĩ nhất quán rằng chỉ có sự học mới đem lại tri thức, từ đó mới cải thiện được đời sống. Ở những vùng nông thôn nghèo khó suy nghĩ này càng được nung nấu trong học sinh và kể cả phụ huynh.

Nhưng phải thấy một điều rằng dạy thêm, học thêm chỉ phổ biến ở các thành phố lớn khi mà cha mẹ có điều kiện kinh tế cao, còn ở nông thôn việc tự học là chính. Có thể nói ở thành phố nhu cầu về học thêm cao hơn ở các vùng miền khác khi mà việc học này không chỉ để đậu tú tài, đại học mà phải vào học được các trường đại học danh tiếng và đi du học ở nước ngoài… Từ đó, học thêm là một nhu cầu có thật.

Ở nông thôn, vùng sâu, được học chính thống ở nhà trường đã là niềm mơ ước của nhiều học sinh và cha mẹ các em, bởi đâu phải ai cũng có điều kiện đến trường nói chi đến việc học thêm. Thầy cô giáo cũng xuất thân từ những vùng miền này, đem kiến thức hết lòng giảng dạy các em là chính bởi học thêm không phải là nhu cầu ở đây nên thầy cô có muốn dạy thêm cũng không dễ. Thầy và trò ràng buộc nhau chủ yếu trên lớp học, thầy càng có lương tâm chức nghiệp càng dạy hay, truyền bá hết kiến thức cho những trò nghèo của mình.

Theo tôi việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu của xã hội ở từng vùng miền. Chúng ta đang ở một thành phố lớn trung tâm cả nước, nhu cầu này cao là điều không lạ. Không nên cấm mà hãy để cho hội nghề nghiệp - các nhà giáo tự tổ chức theo đúng lương tâm nhà giáo của mình dưới sự giám sát của ngành chức năng.

THÚY NAM

Tin cùng chuyên mục