Nga lên kế hoạch trả đũa lệnh trừng phạt của Mỹ

Sau khi Hạ Viện Mỹ bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt mới đối với Nga, ngày 27-7, Mátxcơva đã lên án hành động trên là “phá hoại các viễn cảnh bình thường hóa” quan hệ Nga - Mỹ và lên kế hoạch trả đũa.
Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức đầu tháng 7
Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Đức đầu tháng 7
Ăn miếng trả miếng

Thứ trưởng Ngoại Giao Nga Serguei Riabkov được hãng tin Nga TASS dẫn lời, khẳng định: “Các tác giả và những người ủng hộ dự luật trừng phạt Nga đang tiến thêm một bước nghiêm trọng theo chiều hướng phá hoại viễn cảnh bình thường hóa quan hệ với Nga”. Ngày 27-7, tờ Kommersant dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Mátxcơva đang xem xét các biện pháp đáp trả trong trường hợp Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới chống Nga. 

Theo nguồn tin này, các biện pháp đang được Nga xem xét bao gồm tịch thu nhà nghỉ ngoại giao của Mỹ tại công viên Serebrianyi Bor; trục xuất 35 nhà ngoại giao Mỹ và hạn chế số lượng các đại diện ngoại giao của Mỹ tại Nga. Các biện pháp này được cho là sẽ khép lại khả năng Mỹ trao trả các trụ sở ngoại giao của Nga hiện đang bị Washington tịch thu. Ngoài ra, Nga có thể chấm dứt hợp tác với Mỹ trong các vấn đề quan trọng, như giải quyết căng thẳng với Triều Tiên, hoặc cung cấp urani làm giàu cho các nhà máy điện nguyên tử của Mỹ. 

Với 419 phiếu thuận và 3 phiếu chống, Hạ viện Mỹ cuối tuần qua đã thông qua các trừng phạt mới đối với Nga, nhằm trả đũa Nga về các nghi ngờ Mátxcơva can dự, gây nhiễu thông tin, phá hoại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Một lý do khác của dự luật gia tăng trừng phạt Nga là vì Mátxcơva sáp nhập Crimea từ Ukraine vào Nga.

Ngày 26-7 vừa qua, các thượng nghị sĩ Mỹ cũng đã đạt được thỏa thuận mở đường cho Thượng viện nước này phê chuẩn ngay trong tuần này dự luật về các lệnh trừng phạt mới được áp đặt đối với Nga, Iran và Triều Tiên, bất chấp sự phản đối của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Sau khi Hạ viện và Thượng viện thông qua, Tổng thống Donald Trump vẫn có quyền phủ quyết dự luật. Trong trường hợp đó, lưỡng viện Quốc hội Mỹ sẽ phải bỏ phiếu lại, nếu nhận được 2/3 số phiếu ủng hộ thì dự luật sẽ đương nhiên có hiệu lực.

Đức phản ứng

Dự luật trừng phạt Nga không chỉ khiến Nga bực tức mà Liên minh châu Âu (EU) cũng bày tỏ sự bất bình. Nhiều công ty của châu Âu đang làm ăn với Nga, đặc biệt trong các dự án khí đốt, cũng nằm trong diện đối tượng trừng phạt của dự luật nói trên.

Theo Reuters, các tổ chức tại Đức đang kêu gọi châu Âu phải chuẩn bị để đáp trả Mỹ khi nước này áp dụng lệnh trừng phạt mới đối với Nga. Ủy ban của Đức về quan hệ kinh tế với Đông Âu cho biết, các biện pháp được Hạ viện Mỹ thông qua dường như được thiết kế để thúc đẩy xuất khẩu năng lượng của Mỹ sang châu Âu. EU lo ngại những biện pháp nói trên của Mỹ có thể là một trở ngại đối với các công ty của họ đang kinh doanh với Nga và đe dọa các nguồn cung cấp năng lượng cho khối này.

Bộ trưởng Kinh tế Đức cho rằng, Washington đã từ bỏ quan điểm chung với châu Âu về Nga, vốn đã tồn tại trong lệnh trừng phạt áp dụng trước đây sau cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Sự giận dữ đang gia tăng ở Đức trước các chế tài cứng rắn được các nhà lập pháp Mỹ thông qua tuần trước nhằm tìm cách trừng phạt Nga.

Tại một cuộc họp báo, người đứng đầu Ủy ban của Đức về quan hệ kinh tế với Đông Âu Michael Harms nói rằng, những tổn thất tiềm tàng đối với các công ty năng lượng châu Âu liên quan đến các lợi ích kinh doanh ở Nga có thể dẫn đến các biện pháp chế tài chống lại Mỹ. Không giống như Mỹ, phần lớn các nước Trung Âu vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu khí đốt của Nga. Ngoài ra, Ủy ban nói trên dự báo, tăng trưởng xuất khẩu của Đức sang Nga vào năm 2017 tăng lên 20% so với 10% trong dự báo trước đó.

Tin cùng chuyên mục