Giao thông tại điểm nóng ngã sáu Gò Vấp sẽ có một bước ngoặt quan trọng, sẽ được giải quyết một bước căn cơ nếu như có một cây cầu vượt ở giao lộ này.
Có thể nói quận Gò Vấp là một trong những địa phương có tình trạng giao thông phức tạp thuộc loại hàng đầu thành phố, nhất là khi quận này nằm ở vị trí địa lý mang tính chất trung chuyển giao thông từ các quận huyện vùng ven như quận 12, Hóc Môn của TPHCM và Lái Thiêu, Thuận An của tỉnh lân cận Bình Dương vào trung tâm nội đô và ngược lại.
Chính bởi đặc điểm ấy, mật độ phương tiện giao thông luôn có khuynh hướng tập trung vào các tuyến đường trục chính như đường Quang Trung, Nguyễn Oanh, Nguyễn Văn Nghi, Lê Quang Định, Phan Văn Trị, Nguyễn Kiệm… Từ đó hình thành nên điểm nóng giao thông ngã sáu Gò Vấp, một “điểm nóng của những điểm nóng” về nguy cơ ùn tắc giao thông, đặc biệt trong các giờ cao điểm.
Ngã sáu Gò Vấp cần có cầu vượt. Ảnh: Cao Thăng
Hiện nay, khu vực nút giao ngã sáu Gò Vấp nằm lọt thỏm trong trung tâm thương mại, kinh tế, văn hóa của quận. Nơi đây cũng gần kề với nhiều trường học với số lượng học sinh, sinh viên rất lớn qua lại từ các khu vực lân cận.
Tồn tại lớn nhất ở ngã sáu Gò Vấp, nơi hội tụ toàn bộ các tuyến đường trục quan trọng của quận như Nguyễn Kiệm, Nguyễn Oanh, Quang Trung, Nguyễn Văn Nghi… đó là tình trạng giao cắt giữa hướng lưu thông từ đường Quang Trung và đường Nguyễn Oanh đổ vào đường Nguyễn Văn Nghi với hướng lưu thông từ đường Phạm Ngũ Lão vào giao lộ. Điểm nóng này cũng có đặc điểm là đa phần các tuyến đường trên đều có năng lực giao thông đã bị “ngộp” vì quá tải triền miên, đồng thời vị trí kết nối giao thông giữa các tuyến không thuận lợi lại không có nhiều đường ngang giao cắt dạng bàn cờ để sẵn sàng “chia lửa” khi xảy ra ùn tắc giao thông. Nhiều ý kiến cho rằng chính đặc thù này đã tạo ra nguy cơ cao về ùn tắc giao thông tại giao lộ huyết mạch thuộc loại hàng đầu quận Gò Vấp. Đã vậy, khả năng thông hành trên đường Phạm Ngũ Lão và Nguyễn Văn Nghi quá kém so với lưu lượng xe thực tế vào giờ cao điểm, còn đường Trần Thị Nghị tuy ít xe cộ hơn nhưng khi có ô tô vào ra giao lộ cũng gây ra giao cắt, cản trở hướng lưu thông từ Phạm Ngũ Lão qua Nguyễn Oanh. Điểm nóng ngã sáu Gò Vấp còn có một cái “khó” là ngay cạnh lại tồn tại một ngã tư lệch khác, giao lộ Nguyễn Kiệm - Hạnh Thông - Nguyễn Văn Công.
Đầu năm 2012, sau khi khánh thành cầu Phú Long và hoàn thiện nút giao Ngã tư Ga, mật độ giao thông từ quận 12 và các tỉnh phía đông bắc thành phố đổ sang quận Gò Vấp theo hướng Nguyễn Oanh - Nguyễn Kiệm để vào khu trung tâm càng đông đúc hơn nữa, qua đó càng làm tăng áp lực cho nút giao ngã sáu Gò Vấp.
Có một thực tế là cho đến giờ, giao thông tại ngã sáu Gò Vấp nói riêng và TPHCM nói chung, siêu đô thị lớn nhất nước vẫn chủ yếu và đơn thuần là giao thông đồng mức. Tất cả và đủ loại phương tiện giao thông lớn bé, công cộng lẫn cá nhân, nội tỉnh lẫn ngoại tỉnh đều chen chúc trên cùng một mặt phẳng. Trong bối cảnh số lượng và mật độ phương tiện giao thông cứ càng lúc càng tăng theo đà phát triển còn diện tích đất dành cho giao thông thì không thể hoặc không dễ tăng thêm, người dân lẫn cơ quan chức năng không mệt mỏi, đau đầu vì ùn ứ tắc nghẽn giao thông mới là chuyện lạ.
Đành rằng có nhiều cách để giải quyết bài toán giao thông đô thị, từ giải pháp ngắn hạn đến giải pháp dài hạn, nhưng phát triển giao thông khác mức là một lối thoát khả dĩ và khả thi, đặc biệt đang khi chờ các phương tiện giao thông công cộng hiện đại như metro, monorail… Cầu vượt bằng thép thực chất chính là một hình thái của giao thông khác mức. Trên thực tế, từ khi có một số cầu vượt bằng thép chia lửa, giao thông tại các giao lộ có cầu vượt thép đã được cải thiện thấy rõ, mức độ thông hành phương tiện đã tốt hơn nhiều. Bởi thế không lạ khi kỳ vọng được đặt nhiều vào một cây cầu vượt tại ngã sáu Gò Vấp. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp, phụ trách mảng quản lý đô thị, nhận xét rằng, nếu được xây dựng, cầu vượt tại ngã sáu Gò Vấp chắc chắn sẽ giúp ích rất nhiều trong việc giải quyết ách tắc giao thông ở cửa ngõ này.
Thật ra, từ vài năm trước, ngành chức năng đã tính tới việc phát triển cầu vượt thép cho giao lộ này. Thậm chí lẽ ra cầu vượt tại ngã sáu Gò Vấp đã được khởi công từ dịp 30-4 vừa qua và nếu đúng kế hoạch ấy thì đến lễ Quốc khánh 2-9-2015, cầu đã thông xe. Việc chậm trễ này không phải do khó khăn về kinh phí đầu tư hay trục trặc kỹ thuật mà vì liên quan đến một số hộ dân tại chỗ - một khó khăn quen thuộc đối với các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật giao thông đô thị. Cụ thể, một vài hộ dân trên mặt tiền đường Nguyễn Oanh sợ cầu vượt che chắn làm giảm giá trị kinh doanh và đòi vỉa hè phải rộng 4m trong khi chính quyền quận Gò Vấp lẫn Khu Quản lý giao thông đô thị số 3 - đơn vị thay mặt Sở Giao thông Vận tải TPHCM quản lý địa bàn, lại nghiêng về phương án khác thỏa đáng hơn, đó là làm vỉa hè rộng 2m. Được biết, các cơ quan chức năng thành phố lẫn chính quyền quận Gò Vấp đang khẩn trương tìm cách giải quyết vướng mắc này của một số hộ dân để sớm khởi công xây dựng hạng mục chính của dự án là phần cầu vượt trong thời gian sớm nhất.
THIỆN NHÂN