Nga sẽ đáp trả Mỹ và châu Âu

Đó là tuyên bố của Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev sau khi Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đưa ra các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga trong vụ việc liên quan đến chính trị gia đối lập Alexei Navalny. 

Có đi có lại

Thượng nghị sĩ Kosachev khẳng định với EU và Mỹ, tình hình hiện nay chỉ là cái cớ để bôi nhọ lãnh đạo Nga, và đây là điều không thể chấp nhận trong quan hệ quốc tế. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã bình luận rằng, các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt sau EU là cái cớ để tiếp tục công khai can thiệp vào công việc nội bộ của Nga. Bà Maria Zakharova khẳng định, Moscow sẽ phản ứng trên nguyên tắc có đi có lại, không nhất thiết phải tương xứng. 

Những tuyên bố trên được đưa ra sau khi EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 4 quan chức cấp cao của Nga liên quan vụ bắt giữ và xét xử chính trị gia đối lập Navalny. Mỹ sau đó cũng đã áp đặt trừng phạt đối với 7 quan chức Nga.

Trong hành động lớn đầu tiên nhằm vào Moscow kể từ khi nhậm chức, chính phủ Tổng thống Joe Biden cho biết sẽ phong tỏa tài sản và tội phạm hóa các giao dịch của 7 quan chức này. Quyết định trên của Mỹ được đưa ra sau khi một đánh giá của cộng đồng tình báo Mỹ kết luận rằng, các sĩ quan của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) đã sử dụng chất độc thần kinh Novichok để đầu độc ông Navalny.

Nga sẽ đáp trả Mỹ và châu Âu ảnh 1 Ngành nông nghiệp Nga hồi sinh nhờ tự cường

Động thái trên cho thấy nỗ lực của chính phủ Tổng thống Biden trong việc đối đầu với Nga, trong khi vẫn đang cố gắng giải quyết các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm. Đầu năm nay, Mỹ và Nga đã đồng ý gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới thêm 5 năm.

Tác động hạn chế

Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov tự tin cho rằng, các biện pháp trừng phạt chống lại Nga sẽ không mang lại hiệu quả thực tế nào. Trước đó, Quốc vụ khanh đặc trách các vấn đề châu Âu của Chính phủ Pháp cũng từng thừa nhận rằng, những biện pháp trừng phạt như đóng băng tài sản của Nga tại châu Âu, không cấp thị thực… chỉ gây tác động rất hạn chế. Thậm chí, kể cả ban hành thêm nhiều biện pháp trừng phạt khác thì cũng vẫn chưa đủ. 

Trong khi đó, theo giới quan sát, các biện pháp trừng phạt kinh tế mà châu Âu vẫn đang duy trì với Nga lâu nay lại khiến nhiều quốc gia châu Âu thiệt hại nặng. Các nhà kinh tế từ Viện Nghiên cứu kinh tế quốc tế Vienna (WIIW) ước tính, việc giảm xuất khẩu sang Nga khiến Đức thiệt hại 0,2% GDP trong thời kỳ 2014-2018, Áo thiệt hại 0,5% GDP.

Trong số những nước có kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất có Czech và Hungary (mỗi nước mất 0,6% GDP) và Slovakia (1% GDP). Tuy nhiên, về chỉ số tuyệt đối, Đức chính là nước chịu thiệt hại lớn nhất - 14 tỷ EUR chỉ trong 2 năm đầu tiên thực hiện lệnh trừng phạt. 

Những lĩnh vực bị thiệt hại nhiều nhất trong cuộc chiến giữa Brussels và Moscow là công nghiệp dệt may, dược phẩm, thiết bị điện, cơ khí và thiết bị giao thông. Về lĩnh vực nông nghiệp, thực phẩm, nhóm tác giả nghiên cứu thừa nhận: “Ở Nga, người ta chỉ quan sát thấy lạm phát giá lương thực tăng vọt, nhưng việc phát triển nông nghiệp để thay thế hàng nhập khẩu đã góp phần vào sự hồi sinh của ngành nông nghiệp Nga, trở thành một trong những thành công rõ ràng của nền kinh tế”.

Tỷ trọng xuất khẩu của EU sang Nga đã giảm một nửa. Nhưng đồng thời sự phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt của Nga đã tăng lên đáng kể, đặc biệt là do nhu cầu về năng lượng và việc đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2 sắp hoàn thành.

EU áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga kể từ mùa hè năm 2014 do cuộc xung đột ở Ukraine và mở rộng chế tài sau đó. Tháng 3-2015, lãnh đạo của các quốc gia trong EU “buộc chặt” các biện pháp này với việc thực hiện các thỏa thuận Minsk. Moscow tuyên bố không phải là một bên trong cuộc xung đột nội bộ ở Ukraine và cũng không phải là chủ thể trong các thỏa thuận Minsk, mà chỉ là nước trung gian tham gia trong tiến trình hòa giải. Nga đã áp dụng những biện pháp đáp trả có đi có lại với EU.

Tin cùng chuyên mục