Hãng Ria-Novosti dẫn lời Tư lệnh hải quân Nga, Đô đốc Viktor Chirkov, cho biết Mátxcơva bắt đầu xây dựng một đơn vị tác chiến hải quân thường trực ở Địa Trung Hải để bảo vệ các lợi ích quốc gia của Nga. Thông báo của ông Chirkov được đưa ra sau bài phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu 2 tuần trước đó tại một hội nghị mở rộng gồm các quan chức quân và dân sự cấp cao của Nga đề cập đến vấn đề này.
Dự kiến, sư đoàn tác chiến hải quân Địa Trung Hải có thể sẽ thuộc sự chỉ huy của Đô đốc Hạm đội Biển Đen và sử dụng căn cứ hậu cần hải quân Nga tại cảng Tartus của Syria và các bến cảng khác tại Cyprus, Montenegro, Hy Lạp. Sư đoàn này sẽ được tổ chức theo mô hình như lữ đoàn thứ 5 của hải quân Liên Xô cũ ở Địa Trung Hải dưới thời Chiến tranh lạnh (gồm 30 - 50 tàu chiến và được triển khai đến năm 1992 để chống lại Hạm đội 6 của Mỹ). Từ nay đến năm 2015 sẽ thường xuyên triển khai 6 - 10 tàu chiến và tàu yểm trợ trong khu vực. Các tàu chiến từ hạm đội biển Bắc, biển Baltic và Biển Đen có thể luân chuyển để tạo thành một đội tàu thường trực mới tại Địa Trung Hải.
Các quan chức quốc phòng Nga cho biết việc thành lập sư đoàn hải quân trên là hoàn toàn cần thiết trong bối cảnh an ninh khu vực hiện nay có nhiều diễn biến phức tạp như cuộc xung đột tại Syria sau hơn 2 năm vẫn chưa có sự chuyển biến tích cực. Ngoài việc bảo vệ các lợi ích quốc gia, Mátxcơva cũng tin rằng sư đoàn tác chiến hải quân thường trực ở Địa Trung Hải sẽ góp phần củng cố an ninh hàng hải.
Để hiện thực hóa kế hoạch trên, hải quân Nga đang nỗ lực triển khai các dự án nhằm tăng cường sức mạnh cho Hạm đội Biển Đen. Các nhà máy đóng tàu của hải quân Nga ở biển Baltic hiện đang thực hiện dự án đóng mới 6 tàu ngầm 636M (lớp Kilo) và 6 tàu hộ tống 20385 để tăng cường cho Hạm đội Biển Đen. Theo kế hoạch từ nay đến năm 2020, hải quân Nga sẽ đóng và triển khai 10 tàu tên lửa, pháo hạm và chiếc đầu tiên có thể được chuyển giao trong năm 2014.
Ngoài việc nỗ lực cung cấp thêm trang thiết bị quân sự, Nga cũng đang phải lo giải quyết vấn đề căn cứ Sevastopol ở Crimea của Ukraine. Đây là nơi giúp tăng cường sức mạnh của Hạm đội Biển Đen. Theo thỏa thuận năm 1997, Ukraine cho phép Nga tiếp tục sử dụng căn cứ hải quân ở Sevastopol đến năm 2017 nhưng không dự kiến tăng cường lực lượng hoặc thay thế các loại vũ khí của hạm đội này. Mới đây, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Pavel Lebedev cho hay, Mátxcơva đã đề nghị Kiev cho phép hiện đại hóa Hạm đội Biển Đen. Vì vậy, hai bên cần phải đàm phán để thống nhất các thủ tục pháp lý. Tuy nhiên, người đứng đầu quân đội Ukraine thừa nhận quá trình đàm phán không đạt nhiều tiến bộ.
Theo cựu Đô đốc Victor Kravchenko, Chỉ huy Hạm đội Biển Đen, từ năm 1996 đến năm 1998, kế hoạch xây dựng sư đoàn hải quân Địa Trung Hải của Bộ Quốc phòng Nga sẽ khó thực hiện được bởi khó đảm bảo được cung cấp đầy đủ các nguồn lực cho đơn vị này. Tuy nhiên, rất nhiều chuyên gia quân sự tin rằng với tiềm lực kinh tế hiện nay, Mátxcơva đủ khả năng duy trì sư đoàn hải quân trên. Không những chỉ để bảo vệ các lợi ích của nước Nga, thông qua sư đoàn hải quân Địa Trung Hải, Mátxcơva còn muốn khẳng định vị thế của một nước lớn không chỉ về kinh tế mà còn quân sự.
Đỗ Văn