Ngăn chặn chuyển hướng thương mại

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia ngày càng sâu rộng vào các FTA, đặc biệt là FTA thế hệ mới, các vụ việc phòng vệ thương mại (PVTM) gồm chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ ngày càng nhiều hơn với tính chất phức tạp gia tăng.

Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất trong nước cũng phải chịu áp lực từ việc gia tăng nhập khẩu do tác động mở cửa thị trường và cần đến những công cụ chính sách về PVTM để bảo vệ lợi ích của ngành.

Sau khi Bộ Công thương áp dụng biện pháp PVTM đối với sản phẩm đường mía nhập khẩu từ Thái Lan, Cục PVTM thuộc bộ này lưu ý thêm, trên thương trường nói chung, rất có khả năng doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sẽ tìm cách sử dụng xuất xứ của một nước thứ ba để tiếp tục xuất khẩu hàng hóa vào thị trường của nước nhập khẩu đang áp dụng biện pháp PVTM. Đây được xem là hiện tượng chuyển hướng thương mại. Khi đó, mặt hàng xuất khẩu trực tiếp của quốc gia bị áp dụng biện pháp PVTM sẽ giảm, không còn khả năng cạnh tranh, nhưng xuất khẩu mặt hàng cùng loại này từ quốc gia khác lại có xu hướng tăng. Nói cụ thể hơn, việc “chuyển hướng thương mại” như vậy có thể do quốc gia đó mở rộng đầu tư, dẫn tới việc gia tăng năng lực sản xuất; nhưng cũng không loại trừ xuất phát từ hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp tại quốc gia tiếp nhận đầu tư. 

Tình trạng làm giả xuất xứ hàng hóa không chỉ gây ảnh hưởng tới thương hiệu hàng hóa của Việt Nam mà còn gia tăng nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị các nước nhập khẩu tăng cường các biện pháp PVTM, từ đó gây ảnh hưởng tiêu cực tới kim ngạch xuất khẩu. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về xuất xứ và sau thông quan nhằm ngăn chặn các hành vi gian lận, lợi dụng Việt Nam để xuất khẩu hàng hóa của quốc gia khác và ngược lại. Quan trọng nhất là doanh nghiệp không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, vì thực tiễn cho thấy nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài trừng phạt rất nặng. Trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ mất toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan. Do đó, một khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm, doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, ngăn chặn; tránh để hành vi của vài doanh nghiệp “đen” này làm ảnh hưởng tới các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Tin cùng chuyên mục