Trong khi ở các cửa khẩu biên giới Tân Thanh, Cao Lộc (Lạng Sơn), Móng Cái (Quảng Ninh) và nhiều tuyến các đường mòn ở TP Lào Cai, Mường Khương (Lào Cai)… cuối năm có hàng ngàn lô gà lậu tràn vào nội địa thì trên thị trường, người dân cũng bắt gặp các loại gà không rõ nguồn gốc tràn ngập ở chợ.
Gà Tàu “vỗ” thành gà ta
Chị Hồng, nhà ở khu tập thể bưu chính (Hà Đông - Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, khi mua gà về làm thịt, luộc lên thường phát hiện thịt gà dai như cao su, lại có mùi thuốc kháng sinh, không rõ nguồn gốc ở đâu, chỉ được các chủ bán nói là nhập từ chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội). Theo tìm hiểu, loại gà mà các chị mua là gà thải loại của Trung Quốc, được nhập lậu vào Việt Nam. Trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ, các chủ cơ sở còn mông má, vỗ béo gà cho giống gà ta, để thịt đỡ nhão hơn hoặc bớt mùi thuốc kháng sinh.
Hành trình buôn và “vỗ” gà khá tinh vi. Ban đầu, gà được hàng trăm “cửu vạn” ở xã Bảo Lâm (Cao Lộc - Lạng Sơn) xách từ Trung Quốc về Việt Nam, sau đó chở bằng xe máy ra thị trấn Đồng Đăng hoặc xã Cao Hùng (TP Lạng Sơn). Tại đây, gà được đưa vào chuồng trại của dân để nuôi, nên lực lượng tuần tra có “hỏi thăm” cũng không có cơ sở bắt phạt vì không có bằng chứng xác định là gà Trung Quốc nhập lậu. Sau 1-2 tuần, gà được đưa lên xe khách, ô tô tải chở về làng Dĩnh Kế (TP Bắc Giang) nằm ven quốc lộ 1A, để “vỗ”. Thêm khoảng 1-2 tuần nữa, gà Trung Quốc đã “vô tư” thành gà Việt, không còn mang tiếng là “gà lậu” nữa. Từ đây, gà sẽ được vận chuyển thêm một nấc nữa về chợ gia cầm Hà Vỹ (Thường Tín - Hà Nội). Đây là chợ gia cầm lớn nhất miền Bắc hiện nay, chuyên thu gom và buôn bán các loại gà thải ở Trung Quốc cũng như gia cầm trong cả nước. Từ đây hàng chục ngàn con gà Trung Quốc đóng giả gà ta tỏa đi khắp các chợ trong cả nước, đưa sâu vào tận miền Nam.
Tại các chợ, để tránh “tiếng xấu” là gà Trung Quốc thải loại, dân buôn thường nói lái rằng “đây là gà mía”, bởi gà Tam Hoàng, Lương Phượng có mã đẹp, chân cũng vàng và mập, mào to. Ông Đỗ Văn Học, một người nuôi nhiều gà ở làng Đường Lâm (Sơn Tây - Hà Nội), nơi có thương hiệu gà mía nổi tiếng, khẳng định: “Gà mía thật sự có con nặng tới 4-5kg, thịt chắc nịch, rất thơm, ngon. Giá bán hiện nay lên tới 90.000 đồng/kg (gà sống)”. Theo ông, chỉ nhìn bề ngoài, rất khó phân biệt gà ta thật và gà thải vì gà Trung Quốc cũng y hệt như gà ta. Chỉ những người bán gà và những người nuôi gà ở các vùng quê mới có kinh nghiệm phân biệt đâu là gà ta, thật giả, còn phần lớn người tiêu dùng đành chịu.
Hiện tại, giá mua tại Trung Quốc chỉ có 20.000-25.000 đồng/kg (năm trước chỉ có 4.000 đồng). Sang tới Đồng Đăng (Lạng Sơn) có thể bán ngay với giá 40.000 đồng/kg và đưa về tới Hà Nội lên tới 60.000-65.000 đồng/kg. Trong khi gà ta thực sự bán giá 85.000-90.000 đồng/kg. Song nếu gặp khách không rành thì các chủ vẫn lập lờ, đánh lừa gà ta, gà Tàu. Cũng vì rẻ, có nhiều lợi nhuận nên các nhà hàng, quán nhậu thường săn mua loại gà thải để bán cho khách với giá gà ta.
Khẩn trương ngăn chặn gà thải loại
Mặc dù từ lâu các loại gà lậu của Trung Quốc đã có lệnh cấm nhập vào Việt Nam, nhưng trên khắp các chợ ở miền Bắc, miền Trung hiện đều có loại gà thải Trung Quốc. Thậm chí khoảng 3-4 tháng qua, còn rộ lên tình trạng nhiều hộ nông dân mua gà thải loại Trung Quốc về chăn lẻ để tiêu dùng trong dịp tết hoặc bán tết cho người tiêu dùng.
Ông Hoàng Văn Năm, Cục trưởng Cục Thú y, cho biết, gà thải Trung Quốc nhập lậu vào nước ta không được kiểm dịch, cách ly theo dõi đúng như quy định nhập khẩu động vật, nên không chỉ tiềm ẩn các nguy cơ lây lan dịch cho đàn gia cầm trong nước mà còn không thể đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng. Sở dĩ gà thải loại Trung Quốc tràn về nhiều là do về cuối năm, nhu cầu tiêu thụ thịt gia cầm rất lớn, trong khi năm nay lượng thịt heo lại sụt giảm. Ngoài ra, hiện đang là mùa cưới, các gia đình thường sử dụng thịt gà thải loại để thay gà ta cho rẻ. Song nguyên nhân chính vẫn là do giá thịt heo, thịt gà trên thị trường tăng chóng mặt vào cuối năm, lôi kéo dân buôn gà lậu. Ông Năm cho rằng, giải pháp là chính quyền ở các tỉnh phải kiểm soát buôn lậu gà ở cửa khẩu, cơ quan thú y có thể tịch thu, tiêu hủy khi kiểm tra và phát hiện gà có biểu hiện thải loại, nhiễm dịch bệnh, không đủ chất lượng bán ra thị trường.
* Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát cũng vừa ra công điện kêu gọi các địa phương, đặc biệt là các chi cục kiểm dịch động vật khẩn trương ngăn chặn các sản phẩm là động vật nhập lậu như gà thải loại, đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng cả trong và sau dịp Tết Tân Mão. |
Văn Phúc