Ngăn chặn nạn bạo hành trẻ mầm non

Dư luận đã kịch liệt lên án nạn bạo hành trẻ mầm non. Pháp luật cũng đã nghiêm túc xử lý, một số bảo mẫu có hành vi bạo hành trẻ mầm non đã bị bắt và bị xử án tù. 

Các cơ sở giữ trẻ mầm non để xảy ra vi phạm đã bị đóng cửa. Vậy mà nạn bạo hành trẻ mầm non vẫn tiếp diễn. Qua đó cho thấy các biện pháp ngăn chặn, xử lý nạn bạo hành trẻ mầm non vẫn chưa căn cơ, chưa đủ răn đe. 

Cứ mỗi lần đến đón cháu tại trường mầm non, tôi lại ái ngại, khó chịu khi thấy thập thò trong túi quần hay túi áo đồng phục của một số cô nuôi dạy trẻ là cây thước nhỏ. Lẽ nào trong nền giáo dục hiện đại, roi vọt vẫn là công cụ cần thiết đến thế! Việc giáo dục ở bậc mầm non được xã hội ngày càng quan tâm và coi trọng, đây là nơi đặt nền móng cho sự hình thành, định hướng phát triển nhân cách tích cực, điều chỉnh hành vi và bồi dưỡng tình yêu thương cho trẻ. Hiện nay, độ tuổi các cháu được tiếp nhận vào học ở các trường mầm non thường từ 3 đến 5 tuổi. Đây là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình phát triển của trẻ từ 0 đến 6 tuổi,  cũng là cơ sở ban đầu cho sự hình thành, phát triển tư duy, các hiện tượng tâm lý ở những lứa tuổi tiếp theo. Mỗi hành động, lời nói, cử chỉ của cha mẹ, cô giáo đều có thể được trẻ ghi nhớ và học theo.

Trẻ em rất tò mò và thích khám phá thế giới, tuy nhiên cũng rất hiếu động, nghịch ngợm, do đó hay mắc lỗi. Để khắc phục những lỗi đó của trẻ và giáo dục hành vi cho trẻ, không ít cô nuôi dạy trẻ đã dùng biện pháp bạo hành: đe dọa, mắng, dùng roi để phạt. Hành động này đã tạo ra những tác động không tốt đối với sức khỏe cũng như tinh thần của trẻ. Nếu cứ diễn ra thường xuyên, trẻ sẽ sợ hãi và hậu quả sâu xa là từ sợ hãi chuyển sang bướng bỉnh.

Phẫn nộ nhóm trẻ gia đình ở Đà Nẵng bạo hành dã man trẻ nhỏ

Buổi tối ở nhà, chúng ta dễ thấy trẻ thường đóng vai cô giáo điều khiển lớp học, cầm cái điều khiển tivi hay cái lược để làm roi và sẵn sàng đánh vờ vào tay ba mẹ, kèm theo những câu quát: “Bạn này không ngoan hả, cô đánh bây giờ”; “Bạn này, úp mặt vào tường”. Rõ ràng những hành vi bạo hành ở lớp đã được trẻ lưu lại trong trí nhớ và làm theo. Phương cách dạy trẻ bằng bạo lực sẽ là mầm mống tạo nên những hiện tượng bạo lực học đường.

Đối với bất kỳ hành vi mắc lỗi nào của trẻ, roi vọt và hình phạt chỉ là một giải pháp tình thế, không có tác dụng uốn nắn hành vi, không giúp hình thành, phát triển nhân cách, mà ngược lại, còn ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của các cháu. Trong nền giáo dục đổi mới, các bậc cha mẹ, các cô nuôi dạy trẻ hãy hiểu câu “yêu cho roi cho vọt” theo nghĩa giáo dục trẻ bằng kỷ luật tích cực, nghiêm khắc, chứ không phải bằng roi vọt.

Tin cùng chuyên mục