Từ đầu năm đến nay, NHNN đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, với mức giảm 1,5% - 2%/năm; giảm 0,6% - 1%/năm trần lãi suất tiền gửi; giảm 1,5%/năm trần lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên.
Tính đến tháng 11, mặt bằng lãi suất cho vay giảm bình quân khoảng 1%/năm so với cuối năm 2019; lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với một số ngành, lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,5%/năm. Do tác động tiêu cực của dịch Covid-19 nên tín dụng năm 2020 tăng thấp hơn các năm trước. Đến 21-12, tín dụng tăng 10,14% so với cuối năm 2019, tăng 11,62% so với cùng kỳ năm 2019.
Đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho khoảng 270.000 khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với dư nợ gần 355.000 tỷ đồng; miễn, giảm, hạ lãi suất cho gần 590.000 khách hàng với dư nợ trên 1 triệu tỷ đồng.
Trong đó, các TCTD đã cho vay với lãi suất ưu đãi, thấp hơn phổ biến 0,5%-2,5%/năm so với trước dịch Covid-19 với dư nợ từ ngày 23-1 đến nay đạt gần 2,3 triệu tỷ đồng cho hơn 390.000 khách hàng. Tăng trưởng thanh toán không dùng tiền mặt đạt tốc độ ấn tượng với nhiều chỉ tiêu đạt và vượt yêu cầu.
Đến cuối tháng 10, số lượng giao dịch thanh toán qua điện thoại di động đạt hơn 918,8 triệu giao dịch với giá trị đạt gần 9,6 triệu tỷ đồng (tăng 123,9% về số lượng và 125,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019); số lượng giao dịch thanh toán qua internet đạt gần 374 triệu giao dịch với giá trị hơn 22,2 triệu tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, 5 năm qua, ngành ngân hàng có bước phát triển vượt bậc, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Năm 2020, dù chúng ta gặp nhiều thách thức, nhất là sự bùng phát dịch Covid-19, nhưng ngành ngân hàng, với vai trò huyết mạch của nền kinh tế, đã vào cuộc rất sớm với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; đã chủ động giải pháp ứng phó với tác động của dịch, bão lũ, khắc phục khó khăn và hỗ trợ nền kinh tế; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần duy trì ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế… Thủ tướng đánh giá cao việc NHNN 3 lần giảm lãi suất điều hành, khoảng 1,5%-2%/năm và là mức giảm sâu nhất trong khu vực.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, dù NHNN và các TCTD đã nỗ lực trong điều chỉnh giảm lãi suất cho vay nhưng vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp và người dân, nhất là đối với lãi suất các khoản cho vay cũ, lãi suất trung, dài hạn. Thủ tướng cũng lưu ý, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nguy cơ nợ xấu gia tăng, vì vậy, cùng với việc mở rộng tín dụng hỗ trợ phục hồi kinh tế, NHNN và các TCTD cần có các giải pháp xử lý nợ xấu và hạn chế nợ xấu mới phát sinh.
Về phương hướng năm 2021, Thủ tướng yêu cầu NHNN tính toán mức tăng trưởng tín dụng để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, vì với Việt Nam tín dụng vẫn là một kênh quan trọng đối với sự phát triển; tiếp tục điều hành chủ động, linh hoạt chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; không để các cơ sở sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân; lĩnh vực xuất khẩu, công nghệ cao… bị thiếu vốn tín dụng. Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn, trong bối cảnh còn khó khăn này, ngành ngân hàng hoạt động chưa nhằm mục tiêu lợi nhuận mà tiếp tục chia sẻ với nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân để hỗ trợ phát triển.