
Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương mại Lương Văn Tự, Trưởng đoàn đàm phán WTO, cho rằng, phân phối là một trong ba lĩnh vực gay cấn nhất, gây nhiều tranh cãi nhất tại các vòng đàm phán. Để có được cam kết đến ngày 1-1-2009 chúng ta mới mở cửa thị trường là cả một câu chuyện dài. Vậy mà nhiều người lại cho rằng, không cần chờ đến thời điểm kể trên, hàng rào bán lẻ của VN thực chất đã bị xuyên thủng từ lâu!
Điểm mặt đại gia
Trong khi thị trường phân phối trong nước còn bộc lộ khá nhiều yếu kém thì các tập đoàn nước ngoài mạnh về tài chính, dày dạn về kinh nghiệm quản lý đã nhanh chân đổ bộ vào VN và nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần. Hiện chưa có số liệu chính thức về các tập đoàn nước ngoài đã có mặt tại VN, bao nhiêu hồ sơ đang nằm trên bàn của các bộ, ngành… Tuy nhiên, với những siêu thị và trung tâm thương mại (TTTM) đang hoạt động, có thể thấy, số doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài đã vượt qua 2 con số. Nếu cân đối số lượng các DN trong nước và nước ngoài tham gia kinh doanh siêu thị và trung tâm thương mại thì phần thắng đang nghiêng về DN có vốn đầu tư lớn của nước ngoài.

Mua hàng ở một điểm bán hàng của hệ thống G Mart. Ảnh: ĐỨC THÀNH
Có thể kể đến các tên tuổi sau: BigC (Pháp), Metro Cash & Carry (Đức), Lotte Mart (Hàn Quốc), Dairy Farm (Thái Lan), Parkson (Malaysia), Carrefour (Singapore)… Trong số trên, có 2 DN đang ráo riết triển khai kế hoạch xây dựng những điểm bán mới tại nhiều thành phố lớn.
Metro hiện đã và đang hoàn tất việc xây dựng 8 siêu thị. Tương tự, BigC cũng đã có 8 siêu thị và trung tâm bán lẻ tại các TP lớn nhất nước. Mặc dù số lượng các siêu thị đã được cấp phép vượt quá sự hình dung của nhiều người, nhưng các DN này cho biết họ vẫn chưa dừng ở đây.
Tổng giám đốc một chuỗi siêu thị lớn nhất nhì VN cho biết, để tranh thủ thời điểm trước ngày 1-1-2009, nhiệm vụ hàng đầu của DN này là nhanh chóng mở rộng chuỗi siêu thị bán lẻ. Bình quân một năm, DN phải đưa vào hoạt động từ 8 - 10 siêu thị trên địa bàn toàn quốc. Nhưng đi đến đâu họ cũng “vướng” phải dự án của các nhà đầu tư nước ngoài. Thậm chí, có những thành phố chỉ còn 2 miếng đất dành cho xây dựng siêu thị thì BigC cũng đã nhanh tay đăng ký trước một miếng giữ chỗ chờ cấp phép thêm!
Sẽ có nhiều trung tâm thương mại hạng sang
Trên đây chỉ là những DN có thể “thấy” được. Đến thời điểm này hầu như tất cả các nhà bán lẻ nước ngoài đều đã đến VN, dưới nhiều hình thức, trong đó có cả “người khổng lồ” Wall Mart. Hiện họ chuẩn bị khá kỹ các kế hoạch để đầu tư vào VN, chỉ cần chờ đến thời điểm ngày 1-1-2009 là xuất quân ồ ạt.
Bà Trần Mỹ Hòa, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn C.T Group (Thái Lan) nhìn nhận, VN đang có rất nhiều lợi thế để phát triển thành một thiên đường mua sắm của châu Á. Hướng đến mục tiêu đó, C.T Group đang chuẩn bị một tham vọng trong năm 2008 là sẽ mở 16 trung tâm mua sắm cao cấp trên cả nước, đồng thời phát triển 70 cửa hàng hạng sang lên con số 150 cửa hàng trong thời gian tới. “Chúng tôi hoàn toàn tự tin xây dựng kế hoạch này dựa trên kinh nghiệm của một tập đoàn dẫn đầu trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm thời trang, mỹ phẩm, nước hoa hàng hiệu tại thị trường bán lẻ cao cấp của VN” – bà Hòa nói.
Để thực hiện được mục tiêu, C.T Group đã và đang đầu tư xây dựng các TTTM cao cấp như: C.T Plaza Tân Sơn Nhất; C.T Plaza Lê Thánh Tôn; C.T Hapro, C.T Plaza Bình Thạnh, trong đó C.T Plaza Tân Sơn Nhất là dự án được hợp tác với Parkson sẽ là trung tâm hiện đại nhất…
Ngoài ra, trong năm 2008 và quý 1-2009, hàng loạt các TTTM hạng sang có yếu tố đầu tư nước ngoài cũng sẽ được đưa vào sử dụng như Saigon Paragon (8.000m² tại khu đất vàng Phú Mỹ Hưng; Happiness Square (11.000m² tại 2 quận 1 và 5); Căn hộ Everrich (22.700m² quận 11); Asiana Plaza (6.680m² quận 1); Saigon Palace (25.000m² quận 11)…
Điều gì sẽ xảy ra?
Theo TS Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà bán lẻ VN, từ trước khi VN trở thành thành viên chính thức WTO, đã có một số ý kiến cho rằng giới kinh doanh và phân phối hàng hóa, đặc biệt trong lĩnh vực bán lẻ VN rất lo ngại khi các tập đoàn phân phối đa quốc gia, với sức mạnh tài chính, kinh nghiệm phân phối hiện đại sẽ tràn vào và “đánh sập” ngành công nghiệp bán lẻ non trẻ của chúng ta. Tuy nhiên, cũng có nhận định cho rằng, sự có mặt của các tập đoàn phân phối đa quốc gia tham gia vào VN sẽ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh bán lẻ trên cả nước đi vào bước ngoặt mới.
Tổng giám đốc một tập đoàn phân phối tại Hà Nội cho rằng, việc cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài là điều khó tránh khỏi, song cấp như thế nào, liều lượng bao nhiêu thì cần phải tính toán thật kỹ lưỡng. Không có một nước nào lại dễ dãi quá mức đối với nhà đầu tư nước ngoài khi cùng một lúc cấp phép cho Metro với 8 siêu thị mà toàn là ở nội thành các TP lớn với số vốn lên tới 120 triệu USD như VN!
Ông Trần Vinh Nhung, Phó Giám đốc Thường trực Sở Thương mại TPHCM cũng bức xúc dẫn chứng: thử nhìn sang Phillipines, họ cấp phép cho Metro nhưng quy định khoảng cách từ trung tâm thành phố đến siêu thị phải là 40km. Tương tự, Ấn Độ, một thị trường lớn như vậy song chính phủ nước này chỉ cho phép Metro mở 2 siêu thị với tổng vốn đầu tư 40 triệu USD.
Theo Tổng Giám đốc Liên hiệp HTX TPHCM Nguyễn Ngọc Hòa, cần có những quy định cụ thể cho các mặt bằng còn lại của TP, vì nếu chúng ta cứ cho phép xây dựng theo mô hình cao ốc văn phòng kết hợp TTTM thì trước sau gì DN trong nước cũng thua vì “làm gì có tiền để thuê mặt bằng?”. “Đã đến lúc nhà nước cần quy hoạch tổng thể ngành thương mại đến năm 2020.
Trong bản quy hoạch này thì cần phải có những tiêu chí cụ thể: tại mỗi tỉnh, TP lớn cần có bao nhiêu siêu thị, TTTM là vừa; khu vực nào sẽ xây cao ốc, khu nào sẽ xây siêu thị, chế độ ưu đãi cho DN trong nước như thế nào… Còn nếu cứ để cho ngành bán lẻ phát triển tự phát như hiện nay, chắc chắn DN trong nước không thể cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài” – ông Hòa đề nghị.
Nguyên Bộ trưởng Thương mại Trương Đình Tuyển cũng nhiều lần khẳng định, trong kinh tế thị trường, ai làm chủ hệ thống phân phối, chắc chắn sẽ chi phối được sản xuất. Do đó, trước lo ngại của nhiều DN về viễn cảnh của ngành sản xuất công nghiệp trong nước khi hệ thống phân phối rơi vào tay các tập đoàn nước ngoài, ngành bán lẻ VN cần có một chính sách khôn ngoan và linh hoạt mới mong giữ được sân nhà.
THÚY HẢI
Thông tin liên quan:
Bài 1: Hụt hơi trước thị trường lớn