Tháng thứ 5 liên tiếp, ngành công thương TPHCM tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, bất chấp tình hình kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều ngành hàng đã biết tận dụng các lợi thế để thúc đẩy phát triển, bên cạnh những chính sách hợp lý, kịp thời của các ngành chức năng.
Duy trì tăng trưởng
Theo Sở Công thương TPHCM, chỉ số sản xuất công nghiệp (SXCN) trong tháng 5 tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,4% so với tháng cùng kỳ năm 2012. Trong đó, công nghiệp chế biến tăng 5,5% so với tháng trước và tăng 4,4% so với tháng cùng kỳ. Lũy kế 5 tháng đầu năm nay, SXCN tăng 4,6% so cùng kỳ năm 2012. Trong 26 ngành sản xuất, có 22 ngành sản xuất có sản lượng tăng, trong đó một số ngành có mức tăng cao hơn mức tăng chung toàn ngành như: chế biến thực phẩm, đồ uống, da giày... Có 4 ngành giảm là khai khoáng khác, thuốc lá, ô tô và sản phẩm công nghiệp khác. Riêng chỉ số tồn kho toàn ngành đến thời điểm 1-5 giảm 0,26% so với thời điểm 1-4.
Theo Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Văn Lai, sản lượng SXCN TP trong tháng 5 tiếp tục đạt cao hơn các tháng đầu năm 2013. Chỉ tính riêng tháng 5, mức tăng sản lượng đạt cao hơn tốc độ lũy kế 4 tháng đầu năm. Do đó, tốc độ tăng trưởng lũy kế 5 tháng vẫn giữ được xu hướng tháng sau cao hơn tháng trước. Cụ thể, 3 tháng đầu năm SXCN tăng 3,6%, 4 tháng tăng 4,0%, 5 tháng tăng 4,6%. Trong đó nguyên nhân chính kích thích tăng trưởng là nhờ Chính phủ, các bộ ngành và thành phố triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, song song với sự nỗ lực, cố gắng của doanh nghiệp, từ đó SXCN trên địa bàn đang phục hồi dần đà tăng trưởng, quy mô sản xuất tiếp tục được mở rộng. Tính đến thời điểm đầu tháng 5, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt 873,4 ngàn tỷ đồng, tăng 1,4% so tháng trước và tăng 15,1% so cùng kỳ.
Qua so sánh cho thấy, tín dụng ở các lĩnh vực sản xuất kinh doanh đã có dấu hiệu phục hồi. Lãi suất cho vay giảm góp phần làm giảm chi phí đầu vào cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, so với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ năm 2012, tốc độ tăng trưởng SXCN 5 tháng đầu năm có phần suy giảm và thấp hơn mức tăng bình quân của cả nước. “Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do tình hình kinh tế xã hội trong nước và quốc tế vẫn còn nhiều khó khăn; sức cầu thị trường còn yếu; hàng tồn kho tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức cao. Bên cạnh đó, việc thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang giảm mạnh. Tính chung, tổng vốn đầu tư đến nay chỉ đạt 362,1 triệu USD, giảm 43,2% so với cùng kỳ, từ đó ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả SXCN trên địa bàn TP” - ông Lai đánh giá.
Đáng chú ý, dù tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng một số ngành, lĩnh vực vẫn tạo ra những đột phá. Cụ thể, riêng ngành dệt may, trong 5 tháng qua tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2012. Nhiều doanh nghiệp dệt may đã có đơn hàng đến hết quý 2-2013. Chưa kể, nhiều doanh nghiệp tận dụng kinh nghiệm sản xuất hàng xuất khẩu đã mở rộng sản xuất hàng nội địa bằng cách chú trọng thay đổi quy cách, mẫu mã sản phẩm nhưng chất lượng không thay đổi so với hàng xuất khẩu. Hầu hết doanh nghiệp đã tăng cường khai thác thị trường nội địa để cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, giá cả hợp lý và cũng là để duy trì sản xuất liên tục, tạo việc làm ổn định cho người lao động. Đối với lĩnh vực sản xuất thực phẩm, đồ uống, các doanh nghiệp đã chủ động đẩy mạnh sản xuất và dự trữ hàng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Lũy kế 5 tháng qua, sản xuất thực phẩm tăng 10,1% và đồ uống tăng 12,0% so cùng kỳ. Hay ngành sản xuất sản phẩm điện tử, tháng 5 tiếp tục tăng 1,8% so với tháng 4 và lũy kế 5 tháng, sản xuất sản phẩm điện tử tăng 2,3% so cùng kỳ...
Thúc đẩy năng lực cạnh tranh
Riêng lĩnh vực thương mại, ước tính 6 tháng đầu năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 287.910 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm trước. Quy mô tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ thành phố tháng 5 cao hơn tháng 4 và các tháng trước; tốc độ tăng trưởng tháng 5 cao hơn tháng 4 và lũy kế 4 tháng đầu năm. Loại trừ yếu tố biến động giá, lượng hàng hóa và dịch vụ tiêu thụ có xu hướng tăng cao dần, cho thấy sức mua của người dân dần được cải thiện. Ông Nguyễn Văn Lai cho biết, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, trong thời gian qua, Sở Công thương đã phối hợp cùng các sở ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện thường xuyên tổ chức gặp mặt, tiếp xúc nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn, cơ chế, chính sách cho doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Đến nay đã có 9 buổi gặp gỡ, tiếp xúc được tổ chức, thu hút hơn 100 doanh nghiệp tham dự và thảo luận mỗi buổi.
Để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu, trong thời gian tới ngành công thương sẽ tiếp tục tập trung triển khai chương trình tiếp xúc, giới thiệu cơ chế, chính sách và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; phối hợp các sở, ban ngành, Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư (ITPC), quỹ bảo lãnh tín dụng, các tổ chức tín dụng… nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp; giới thiệu các cơ chế, chính sách của Nhà nước; có biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, quảng bá thương hiệu, mở rộng thị trường, liên kết hợp tác đầu tư.
Bên cạnh đó, Sở Công thương sẽ triển khai thực hiện chương trình “Kênh thông tin nắm bắt tình hình khó khăn của doanh nghiệp trên địa bàn thành phố” nhằm tạo thêm kênh thông tin phân tích, đánh giá một cách khách quan về những khó khăn, vướng mắc và nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp địa bàn thành phố. Từ đó, tham mưu cho UBND thành phố kịp thời có các biện pháp chỉ đạo điều hành, tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh. Đồng thời, tiếp tục phát triển hệ thống kênh phân phối, nhất là kênh phân phối hàng bình ổn thị trường, tập trung phát triển các điểm bán tại các quận, huyện vùng ven, các khu dân cư ngoại thành, khu chế xuất, khu công nghiệp và chợ truyền thống.
LẠC PHONG