
(SGGP12G).- Sáng nay, 9-2, nhằm đúng ngày rằm tháng giêng, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 7 đã tưng bừng diễn ra tại Văn Miếu Quốc Tử Giám. Ngay từ sáng sớm, hàng ngàn người yêu thơ từ mọi miền đất nước đã cùng tụ hội về đây để được tận hưởng bầu không khí ngập tràn thi ca trong những ngày đầu xuân.
Toàn cảnh Ngày thơ Việt Nam tại Văn Miếu Quốc Tử Giám
(ảnh chụp lúc 10g sáng nay, 9-2)
Sôi động sân thơ “già”
Năm 2009 là năm kỷ niệm 40 năm thực hiện Di chúc của Bác Hồ, cũng là năm kỷ niệm 50 năm con đường Trường Sơn lịch sử. Vì thế, bên cạnh chủ đề thơ ca với đất nước, con người và dân tộc Việt Nam, Ngày Thơ Việt Nam 2009 chọn đây là chủ đề thể hiện là “thơ ca với Bác Hồ và đường Trường Sơn lịch sử”. Sau hồi trống khai hội được Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, nhà thơ Hữu Thỉnh gióng lên rộn ràng, mọi nghi lễ rước thơ, thả thơ đã được thực hiện trang nghiêm.
Năm nay, người yêu thơ được giao lưu với nhà thơ nhiều hơn, không chỉ ở trên sân khấu mà với 20 “cây thơ” được giới thiệu: Chân dung, tác phẩm của các nhà thơ mặc áo lính - những người đã từng sống và chiến đấu trên dải Trường Sơn, như Nguyễn Đình Thi, Phạm Tiến Duật, Nguyễn Đức Mậu, Chính Hữu... đã đưa người đọc trở lại không khí hào hùng mà trong sáng những ngày cả nước lên đường vì miền Nam, xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước.
Bác Nguyễn Trọng Thể, nguyên giáo viên Học viện Quân sự, một “tín đồ” trung thành của ngày hội thơ xúc động tâm tình: “Tôi đã chờ đợi để tham dự ngày thơ từ rất lâu để được nghe, được thưởng thức thơ và hơn cả là được gặp gỡ những tác giả mà mình yêu mến”.
Hân hoan và phấn khởi là cảm nhận không chỉ của những người yêu thơ đứng tuổi mà còn của lớp trẻ thế hệ 8X, 9X. Nhiều bạn trẻ đã đến Văn Miếu Quốc Tử Giám từ rất sớm để không bỏ sót bất cứ một hoạt động nào của ngày thơ.
Đúng như nhà thơ Hữu Thỉnh đã mong muốn, sân thơ năm nay đã nơi khởi động, kích thích sáng tạo, là nơi giao lưu giữa nhà thơ và công chúng. Nhà thơ lắng nghe để đến gần hơn, hiểu công chúng hơn, nhà thơ hòa trong không khí chung và khẳng định mình trong bạn đọc.
Thơ trẻ vẫn rất trẻ
Khác hẳn những ngày thơ lần trước, Sân thơ Trẻ năm nay hoàn toàn thuộc về những nhà thơ mới. Năm nay, Sân thơ trẻ 2009 xuất hiện những gương mặt hoàn toàn mới, với cách thể hiện độc đáo: Các tác giả kết hợp thành từng nhóm - phối hợp cùng đọc thơ.
Những cái tên còn rất lạ lẫm với làng thơ như Nguyễn Quang Hưng, Huyền Minh, Điệp Giang, Thụy Anh... nhiều người trong số họ mới chỉ “trình làng” một tập thơ duy nhất song với nhiệt huyết và niềm đam mê với thi ca, họ đã đem đến Sân thơ Trẻ một phong cách mới, mạnh mẽ, triết lý… song vẫn đầy lãng mạn.
Nhận xét về Sân thơ Trẻ năm nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng đó là những tín hiệu đáng mừng. Có thể những năm trước, Sân thơ Trẻ tìm được hướng đi riêng không giống với thế hệ cha chú, đàn anh đi trước, song họ lại chưa bộc lộ được tính năng động sáng tạo của tuổi trẻ. Năm nay thì khác, thơ trẻ không còn chỉ tồn tại một dòng duy nhất mà nhiều người vẫn cho là “non nớt” mà đã thể hiện được sự phong phú, thâm trầm rất đáng quý ở những cây bút trẻ.
“Thơ trẻ dù rằng có nhiều người chỉ sáng tác để thỏa mãn cảm xúc của riêng mình, nhưng tôi vẫn tìm thấy ở sân thơ trẻ năm nay nhiều bài thơ đáng đọc, đáng nhớ” - nhà thơ Trần Đăng Khoa bày tỏ.
VĨNH XUÂN