Nghề giáo cũng nguy hiểm!?

Hiếm có nơi nào trên thế giới, dạy học lại là nghề nguy hiểm như ở Kenya. Ngày 22-11-2014 đã trở thành ký ức đầy ám ảnh đối với những người gõ đầu trẻ ở quốc gia châu Phi. 17 giáo viên đã bị tổ chức khủng bố Somalia al-Shabaab giết hại tại Mandera, Đông Bắc Kenya với nhiều vết đạn vào sau đầu mỗi nạn nhân.
Nghề giáo cũng nguy hiểm!?

Hiếm có nơi nào trên thế giới, dạy học lại là nghề nguy hiểm như ở Kenya. Ngày 22-11-2014 đã trở thành ký ức đầy ám ảnh đối với những người gõ đầu trẻ ở quốc gia châu Phi. 17 giáo viên đã bị tổ chức khủng bố Somalia al-Shabaab giết hại tại Mandera, Đông Bắc Kenya với nhiều vết đạn vào sau đầu mỗi nạn nhân.

 Al-Shabaab tuyên bố, vụ thảm sát là để trả thù cho sự hiện diện của quân đội Chính phủ Kenya tại Somalia. Đồng thời đe dọa sẽ tiếp tục tiến hành các vụ hành quyết tương tự nếu Kenya không rút quân. 

Vụ tấn công đã gieo rắc nỗi sợ hãi, dẫn đến làn sóng các giáo viên bỏ lớp, bỏ trường ở khu vực Đông Bắc Kenya. Nhiều giáo viên ở khu vực này đã “cắm trại” nhiều tuần liền bên ngoài trụ sở Liên đoàn Giáo dục Kenya để yêu cầu được chuyển công tác đến nơi an toàn hơn. Mohammed Ibrahim, Hiệu phó Trường nữ sinh Moi, xót xa cho các trường học ở Mandera khi cho rằng cái chết của 17 giáo viên đã “tàn phá” các trường học ở Mandera.

Giáo viên biểu tình bên ngoài tòa nhà Quốc hội ở thủ đô Nairobi, Kenya, yêu cầu chính phủ đảm bảo an toàn tính mạng cho giáo viên

Một đại diện của Chính phủ Kenya cho hay, nếu giáo viên lo sợ rồi sẽ đến lượt họ sẽ bị giết hại thì không thể ép buộc họ trở lại trường. Nhìn vào thực tế an ninh ở Mandera, nơi được xem như là khu vực vô chính phủ, mới phần nào thông cảm cho quyết định của các thầy cô nơi đây. Tại Mandera, số lượng cảnh sát rất ít lại hưởng khoản lương “chết đói”. Đến 5 giờ chiều hàng ngày, họ rút về các trại và từ thời điểm đó, toàn bộ khu vực nằm trong quyền kiểm soát của tổ chức khủng bố al-Shabaab. “Chẳng có viễn cảnh tươi sáng nào ở Mandera dù là giáo dục, y tế hay dịch vụ công. Bất cứ nhân viên chính phủ nào được điều chuyển về đây đều cảm thấy họ như đang phải nhận kỷ luật”, ông Ibrahim nói.

Tuy nhiên, vẫn có những giáo viên bám trụ lại với mảnh đất có thể cướp đi sinh mạng họ bất cứ lúc nào. Samuel Wahome, 36 tuổi, là một người như vậy. Samuel cho hay vụ hành quyết man rợ do al-Shabaab tiến hành thực sự ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần của Samuel khi mà trong số các nạn nhân có 3 người là bạn thân của anh. “Ở lại thực sự là một quyết định khó khăn nhưng chứng kiến cảnh học sinh ở các lớp có giáo viên bị sát hại, tôi không đành lòng”, Samuel chia sẻ. Tỷ lệ học sinh ở bậc phổ thông đến trường tại Mandera đã thuộc dạng thấp nhất Kenya (chỉ 40% so với mức trung bình của quốc gia là 77%). Nay, việc giáo viên bỏ lớp khiến tỷ lệ này xuống thấp hơn nữa. Điều nguy hiểm hơn, thiếu giáo dục, nguy cơ trẻ em bị kéo vào các nhóm cực đoan, khủng bố càng cao. Mới đây, một giáo viên tiểu học ở Kenya đã phải lĩnh án 20 năm tù vì tội danh tuyển dụng học sinh gia nhập al-Shabaab.


MINH CHÂU

Tin cùng chuyên mục