Nghệ sĩ của nhân dân

Một mùa xét tặng danh hiệu nghệ sĩ lại bắt đầu với việc công bố hồ sơ danh sách đề cử ở cấp cơ sở để lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Năm nay, quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (NSND), Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) có nhiều điểm mới, “cởi mở” hơn và dự báo nhiều nghệ sĩ có thêm cơ hội để chạm tới danh hiệu sẽ theo và gắn bó với họ cả cuộc đời. Vinh danh và tưởng thưởng dành tặng những nghệ sĩ tài năng, luôn nỗ lực cống hiến cho nghệ thuật, cho nhân dân là điều tuyệt vời nhất mà khán giả trông đợi. Song cũng không ít người trăn trở liệu có xảy ra “mưa” danh hiệu giống “mưa” giải thưởng, bằng khen… như đã từng.

Theo Nghị định số 40/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP quy định xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT có hiệu lực từ tháng 5-2021, sẽ không còn những tiêu chí cứng nhắc yêu cầu buộc phải có giải thưởng, huy chương mà đã linh hoạt hơn khi xét tới “Những cá nhân có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định nhưng được hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt”. Những trường hợp này sau khi được các hội đồng thống nhất và xếp vào danh sách trường hợp đặc biệt sẽ được xét trình Thủ tướng quyết định. Thay đổi này được coi là một bước ngoặt lớn giải tỏa những vướng mắc về xét tặng danh hiệu đã từng xảy ra trước đây khiến nhiều nghệ sĩ được công chúng yêu mến như Trần Hạnh, Minh Vương, Thanh Tuấn, Giang Châu… vì chưa đáp ứng tiêu chí về số lượng giải thưởng, huy chương nên không đủ điều kiện để trao tặng danh hiệu. Việc mạnh dạn thay đổi, bổ sung, đưa vào tiêu chí mới này nhằm để vinh danh kịp thời, không bỏ sót người tài nhưng cũng chính những quy định được cho là “cởi mở” hơn này cũng đặt ra vấn đề - liệu việc phong tặng có trở nên dễ dãi hay không; liệu hội đồng có bị ảnh hưởng bởi tâm lý “xa thương, gần thường”, cứ người xưa cũ là “giỏi, hay” để xét tặng mà làm giảm giá trị của danh hiệu?

Cũng không phải là không có lý khi xuất hiện những nghi vấn ấy bởi chỉ điểm qua danh sách ở một số hội đồng xét tặng danh hiệu cấp cơ sở đề xuất lên đã thấy số lượng hồ sơ ở các lĩnh vực đều tăng. Nhiều gương mặt cũ, không đủ điều kiện để xét tặng nhiều năm trước xuất hiện trong danh sách này. Trong số đó, cũng có những nghệ sĩ được yêu mến, nhưng nếu căn cứ theo tiêu chí “trường hợp đặc biệt” thì không phải ai trong số đó cũng có thể đạt được. Có những người trong số đó vì một số lý do khác nhau đã dừng con đường nghệ thuật từ sớm. Gần đây, họ cũng không xuất hiện và đóng góp nhiều cho nghệ thuật. Bởi vậy, có thể họ là gương mặt quen thuộc nhưng phần nhiều là nhờ truyền thông chứ ít người có thể biết và nhớ được những vai diễn, những đóng góp của họ ở thời điểm còn công tác. Sau những lo ngại về “đếm” huy chương thì nay lại nảy sinh lo ngại hiện tượng “sống lâu lên lão làng” trong nghệ thuật.

Tất nhiên, mùa xét tặng nào cũng sẽ xảy ra thắc mắc, lời qua tiếng lại bởi khó có thể đòi hỏi sự đồng thuận 100%. Nhưng còn thắc mắc, còn ý kiến cũng đồng nghĩa với việc người dân, khán giả còn dõi theo, quan tâm tới nghệ sĩ, nghệ thuật… đó cũng là việc đáng mừng. Tuy nhiên, công chúng mong muốn, danh hiệu là việc đánh giá mức độ cống hiến của người này so với người khác nên cần thận trọng và công minh, tránh tình trạng công nhận theo số lượng mà giảm chất lượng. Danh hiệu đã trao thì phải dành cho người có thực lực, tài năng, có đóng góp, cống hiến thực chứ đừng xuê xoa, nể nang khiến tăng lượng mà giảm chất. Danh hiệu NSND, NSƯT là vinh dự của nghệ sĩ, nhưng trên hết nghệ sĩ phải là của nhân dân, vì nhân dân…

Tin cùng chuyên mục