Là một quận ven được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Hóc Môn, trong nhiều năm quận 12 luôn được TP xếp vào địa phương nửa đô thị, nửa nông thôn với hạ tầng đô thị hầu như không có gì. Giai đoạn những năm 1997-2000, quận 12 đối mặt với vô vàn khó khăn do xuất phát điểm thấp, cơ cấu dân cư chiếm trên 90% là nông thôn, tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 30%), các công trình phục vụ dân sinh chỉ đáp ứng được chưa đến 15%. Đặc biệt, có đến trên 95% các tuyến đường giao thông trong quận là đất đỏ nắng bụi, mưa lầy (toàn quận chỉ có 17/195km đường nhựa), chưa đến 10% dân cư được sử dụng nước sạch, trường học thiếu trầm trọng ở tất cả các cấp học…
Để vực dậy một địa phương với nhiều tiềm năng và thế mạnh, trong các nghị quyết của Quận Đảng bộ, các chương trình về phát triển đường giao thông, xây dựng nhà ở, xây dựng trường học mới ở các bậc học đều được triển khai một cách đồng bộ và quyết liệt từ quận đến từng khu phố. Trong đó, nguồn lực trong dân thông qua phương thức xã hội hóa được phát huy tối đa.
Nếu giai đoạn những năm 2001-2005, tổng giá trị các công trình phục vụ đời sống dân sinh như đường, trường, trạm… chỉ chiếm trên 10% do sức dân đóng góp, thì trong nhiệm kỳ 2005-2010, tỷ lệ này được nâng lên gấp gần 3 lần.
Điển hình như phường Thới An, trong nhiệm kỳ 2005-2010 đã nhựa hóa, bê tông hóa, duy tu được 54 tuyến đường với chiều dài gần 10 cây số. Chỉ tính riêng giá trị của 35.765m² đất mà người dân trong phường hiến để làm đường, làm cống đã lên tới 154 tỷ đồng. Một con số không nhỏ nói lên nhiều ý nghĩa từ việc biết khơi dậy tiềm năng và thế mạnh trong nhân dân, đến phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị vào nhiệm vụ phát triển kinh tế, chăm lo đời sống của nhân dân.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, nhiệm kỳ 2010-2015, quận 12 tiếp tục đề ra mục tiêu thực hiện hơn 100 công trình dân sinh theo phương thức xã hội hóa huy động từ sức dân. Trong đó, công trình giao thông là 65km với giá trị gần 40 tỷ đồng; công trình đầu tư cho giáo dục là 713 lớp học với giá trị ước khoảng hơn 100 tỷ đồng… Đây được coi là nghị quyết huy động sức dân lớn nhất của Đảng bộ quận 12 trong nhiều năm qua.
Một điều tin chắc chắn rằng, với cách nghĩ và cách làm năng động, sáng tạo và biết phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, nhất định mục tiêu trên sẽ được hoàn thành với một kết quả cao nhất.
Phạm Nam
Nhiều giải pháp phát triển KT-XH quận 12 Theo đồng chí Đặng Văn Cường, Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy quận 12, mục tiêu tổng quát trong nhiệm kỳ 2010-2015 quận 12 là: Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng “Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp”; thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, phát triển đồng bộ hạ tầng kỹ thuật - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, đảm bảo quốc phòng - an ninh và hoạt động tư pháp, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể. Để đạt được mục tiêu trên, Đảng bộ quận tập trung lãnh đạo thực hiện các giải pháp trọng tâm như sau: Khai thác tốt mọi tiềm năng, phát huy thế mạnh để phát triển kinh tế và phấn đấu đến năm 2015 tỷ trọng ngành dịch vụ chiếm từ 63%-65%, ngành công nghiệp chiếm 34,5%-36,6%, nông nghiệp chiếm 0,4%-0,5%; trong đó ưu tiên phát triển một số loại hình dịch vụ cao cấp như dịch vụ tài chính ngân hàng, y tế, giáo dục; hình thành hệ thống thương nghiệp một cách đồng bộ; củng cố các ngành hàng truyền thống (may mặc, giày da), khuyến khích thu hút đầu tư các ngành có hàm lượng khoa học công nghệ (tin học - điện tử), kiên quyết không cấp phép và có biện pháp xử lý nghiêm đối với các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường; duy trì và nâng chất lượng các sản phẩm nông nghiệp truyền thống có giá trị kinh tế cao. Thực hiện tốt công tác quản lý phát triển đô thị trong đó, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án lớn như: bờ hữu sông Sài Gòn, rạch Tham Lương - Bến Cát, cống Vàm Thuật. Kêu gọi xã hội hóa đầu tư trên các lĩnh vực giao thông, y tế, giáo dục, thể dục thể thao; ưu tiên phát triển các dự án về hạ tầng du lịch, môi trường sinh thái trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa tính truyền thống và không gian đô thị hiện đại. Tập trung chăm lo đời sống các diện chính sách, người nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2014 quận cơ bản không còn hộ nghèo có mức thu nhập bình quân từ 12 triệu đồng/người/năm trở xuống, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,5% và chú trọng nâng cao chất lượng dạy nghề, mở rộng các hình thức đào tạo nâng cao tay nghề cho người lao động đáp ứng nhu cầu tuyển dụng cho người lao động. Văn Phong