Nghịch lý chuyện xăng dầu

Như vậy, điều khiến người dân và giới kinh doanh trong nước những ngày qua phải sống trong tâm trạng thấp thỏm đã đến. Giá xăng dầu trong nước bất ngờ tăng thêm từ 1.500 đồng đến 2.500 đồng/lít kể từ 11 giờ trưa hôm qua, 22-11, sau cuộc họp của Bộ Tài chính. Đây là lần đầu tiên trong vòng 2 năm qua đối với dầu và là lần thứ 5 kể từ đầu năm đối với xăng, giá bán lẻ mặt hàng này được điều chỉnh. Tính chung, giá mỗi lít xăng đã tăng thêm 2.200 đồng tính từ đầu năm. Có thể nói đây là mức tăng giá xăng dầu cao nhất từ trước đến nay, khi mà hầu hết các mặt hàng khác cũng tăng ở mức kỷ lục.

Theo quy luật, giá cả là do thị trường quyết định, nhất là khi chúng ta đã gia nhập WTO. Tuy nhiên, việc quyết định tăng giá xăng dầu một cách đột biến đúng vào thời điểm cuối năm, khi giá cả hầu hết các mặt hàng đều tăng kỷ lục, trung bình đến thời điểm này đã vượt từ 30% đến 50%, là một cú sốc cực mạnh đối với mọi người.

Với quyết định này, chắc chắn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong thời gian tới sẽ còn “phi nước đại” đến mức khó lường và chắc chắn sẽ kéo theo nhiều hệ lụy nặng nề khi mà mọi hoạt động kinh tế - xã hội đều bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những biến động của mặt hàng này. Điều đó cũng có nghĩa, mọi nỗ lực kiềm chế giá cả và tăng trưởng kinh tế của Chính phủ từ đầu năm đến nay trở nên “vô nghĩa”.

Theo kinh nghiệm từ nhiều nước, đối với những mặt hàng có ảnh hưởng mạnh đến nền kinh tế, chính phủ những nước này luôn chú trọng xây dựng quỹ dự trữ quốc gia để sẵn sàng giải cứu cho những tình huống gây bất lợi cho nền kinh tế (hiện Mỹ dự trữ khối lượng xăng dầu bằng 100 ngày tiêu thụ bình quân, Nhật Bản dự trữ đến 150 ngày, với mức 150 - 160 triệu mét khối...).

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng từng khuyến cáo, nhu cầu về dầu mỏ sẽ tiếp tục tăng nhanh, mức tiêu thụ sẽ lên đến gần 140 triệu thùng/ngày vào năm 2030. Nhu cầu của các nước đang phát triển và các nước mới nổi sẽ tăng gấp 3 lần hiện nay, do nhu cầu sử dụng dầu trong các doanh nghiệp, các hộ gia đình tăng lên, riêng các phương tiện giao thông sẽ gấp 6 lần.

Để giảm nhẹ những rủi ro vĩ mô xuất phát từ những bất ổn của giá dầu, IMF đề nghị các nước quá phụ thuộc vào nhập khẩu dầu mỏ phải tiếp tục thực hiện dự trữ chiến lược đủ để tự bảo vệ mình trước những biến động về nguồn cung.

Nhưng vấn đề đặt ra ở đây là vì sao trong khi nhiều nước không có tài nguyên dầu khí, họ vẫn chủ động được việc điều tiết thị trường thì Việt Nam - một nước có thế mạnh về dầu khí với kim ngạch xuất khẩu luôn đứng hàng đầu – bấy lâu nay vẫn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào doanh nghiệp và không có cách gì làm chủ được thị trường?

Phạm Trường

Tin cùng chuyên mục