Nghịch lý ngành dệt may - Doanh nghiệp không dám… nhận đơn hàng!

Nghịch lý ngành dệt may - Doanh nghiệp không dám… nhận đơn hàng!

Tất cả chi phí đầu vào cho sản xuất hàng dệt may (DM) trong thời điểm hiện nay đều tăng, nhưng giá bán không tăng. Để cầm cự trong cơn bão giá đang leo thang từng ngày, nhiều doanh nghiệp (DN) DM ở TPHCM phải tính đến giải pháp thu gọn sản xuất, từ chối hoặc không dám nhận nhiều đơn hàng từ nhà nhập khẩu.

Doanh nghiệp giảm sản xuất

Nghịch lý ngành dệt may - Doanh nghiệp không dám… nhận đơn hàng! ảnh 1

Kiểm tra chất lượng veston xuất khẩu ở Công ty May Sài Gòn 2. Ảnh: ĐỨC THÀNH

“Cái gì cũng tăng, trừ giá bán”. Đây là câu nói cửa miệng của hầu hết DN DM khi đề cập đến tình hình sản xuất và xuất khẩu (XK) hiện nay. Từ những tháng cuối năm 2007, DN DM trong nước đã đối mặt với khó khăn về sự tăng lên của chi phí đầu vào.

Và tình hình này càng căng thẳng hơn trong những tháng đầu năm 2008, khi nhiều chi phí rủ nhau đồng loạt tăng lên. Thị trường đã buộc DN DM phải tìm cách giải một bài toán khó về chi phí, với đáp án “có sẵn” là phải tiết kiệm, cải tiến, nâng cao năng suất! Nhưng DN phải chọn phương pháp nào để giải?

Ông Nguyễn Ân, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại May Sài Gòn đưa ra phép tính nhỏ: chỉ riêng nhiên liệu phục vụ sản xuất, trong năm 2007, DN đã tiết kiệm được gần 1,5 tỷ đồng nhờ sử dụng nhiên liệu than đá thay cho điện, dầu. Nhưng thời điểm hiện nay, chi phí sử dụng nhiên liệu than đá cũng đã tăng lên gấp đôi, từ 1,4 triệu đồng/tháng trước đây lên 2,8 triệu đồng/tháng.

Theo ông Ân, giải bài toán để có thể tồn tại trong giai đoạn khó khăn này, DN chỉ còn cách gia tăng năng lực sản xuất. Nhưng đây lại là một điểm yếu của DN DM Việt Nam. Việc áp dụng hệ thống quản lý mới, sử dụng dây chuyền hiện đại cho năng suất gấp đôi thì chỉ một vài DN lớn trong nước có thể trang bị. Trong khi thực tế, ngay các DN này cũng chưa khai thác hết công suất của công nghệ hiện đại.

Các DN DM nhận định, tiềm lực của chính DN là cơ sở vững chắc nhất để DN có thể cầm cự qua cơn lốc giá cả hiện nay. Điều này cũng có nghĩa, khó khăn sẽ chồng chất lên các DN nhỏ. Ngoài khó khăn về chi phí giá cả, hiện nay các DN nhỏ đang phải đối mặt với việc thiếu lao động sau tết.

Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Dệt may - Thêu đan TPHCM, nhận xét, ở các DN DM lớn không có nhiều xáo trộn về lực lượng lao động sau tết, nhưng với các DN nhỏ, lao động trở lại làm việc chỉ có khoảng 70% - 80%. Đây cũng chính là lý do khiến các DN DM không “ham” nhận đơn hàng vào thời điểm này.

Hiện nhiều DN DM ở TPHCM đã bắt đầu thu gọn sản xuất bằng cách giảm bớt hoặc không dám nhận thêm đơn hàng xuất khẩu, đã chuyển hướng sang kinh doanh các lĩnh vực khác.

Nguy cơ vỡ kế hoạch xuất khẩu

Nghịch lý ngành dệt may - Doanh nghiệp không dám… nhận đơn hàng! ảnh 2

Dây chuyền sản xuất áo sơ mi hiện đại của Công ty May Việt Tiến. Ảnh: K.T.G.

Dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và cạnh tranh XK, nhưng XK DM Việt Nam trong năm 2007 đã mang lại một kết quả tốt đẹp ngoài dự kiến. Tiếp tục trong năm 2008, DM được Chính phủ kỳ vọng là mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam, với mục tiêu đạt 9,5 tỷ USD.

Trong khi Mỹ vẫn còn duy trì cơ chế giám sát hàng DM Việt Nam đến hết năm 2008, nhưng Phòng Thương mại Việt – Mỹ (Amcham) vẫn đưa ra con số dự báo đầy lạc quan cho XK hàng DM Việt Nam vào thị trường Mỹ trong năm này.

Theo đó, kim ngạch XK hàng DM Việt Nam vào Mỹ trong năm 2008 sẽ đạt khoảng 6,1 tỷ USD, so với 4,5 tỷ USD trong năm 2007. Việt Nam sẽ vượt qua Mexico và Ấn Độ để giữ vị trí số 2, sau Trung Quốc về XK hàng DM vào Mỹ.

Tuy nhiên, trước thực tế hiện nay, những con số dự báo ở trên đang đặt ra nhiều vấn đề cho XK DM Việt Nam. Liệu tăng trưởng XK DM trong năm 2008 có đạt được mục tiêu khi DN DM đang trong xu hướng giảm tỷ trọng sản xuất và XK? Rõ ràng, 2 chiều hướng này đang đi ngược nhau.

Nhiều DN DM lo xa, không chỉ bị ảnh hưởng chung từ tác động lên giá của tình hình kinh tế trong nước, sản xuất và XK DM Việt Nam còn có nguy cơ chịu ảnh hưởng mạnh từ sự sụt giảm nghiêm trọng của nền kinh tế Mỹ - thị trường XK lớn nhất của DM Việt Nam, chiếm tới 55% thị phần XK trong năm 2007.

Tác động từ nền kinh tế đang suy giảm, chắc chắn người tiêu dùng Mỹ sẽ thắt lưng buộc bụng trong chi tiêu và điều này sẽ làm ảnh hưởng đến tăng trưởng XK DM Việt Nam vào Mỹ.

Tình hình XK DM trong những tháng đầu tiên của năm 2008 chưa cho thấy dấu hiệu xáo trộn nào. Nhưng với những khó khăn, lo lắng mà DN DM đưa ra đều có cơ sở để lo ngại. Chắc chắn tăng trưởng XK DM trong năm nay sẽ khó đạt được mục tiêu, khi tác động của giá cả thị trường vẫn chưa được cải thiện. 

MỸ HẠNH

Tin cùng chuyên mục