Từ ngày 13-6 đến hết 12-8, các trường mầm non công lập trên địa bàn TPHCM bắt đầu tổ chức nhận giữ trẻ trong dịp hè.
Đa phần trường công không nhận học sinh ngày thứ bảy
Như vậy, tính từ thời điểm kết thúc năm học 2015-2016, các trường đã có hai tuần “nghỉ xả hơi” để giáo viên tái tạo sức lao động, đồng thời sửa chữa, duy tu cơ sở vật chất. Song, câu hỏi được đặt ra là vì sao cũng hoạt động như trường công lập nhưng nhiều trường ngoài công lập đã tổ chức học hè từ đầu tuần trước, giúp phụ huynh khỏi lao đao trước bài toán “Gửi con ở đâu trong dịp hè?”. Câu hỏi này cũng tương tự với việc vì sao trường công không nhận học sinh ngày thứ bảy, hoặc từ chối mỗi khi phụ huynh đề cập chuyện giữ trẻ sau 17 giờ. Trong khi đó, giữ trẻ thứ bảy hoặc giữ trẻ sau 17 giờ đã và đang là một trong những lợi thế khiến ngày càng có đông phụ huynh tìm đến hệ thống trường ngoài công lập.
Lý giải điều này, phó phòng GD-ĐT một quận ở trung tâm cho biết, chương trình giáo dục hiện nay ở bậc mầm non không quy định dạy học ngày thứ bảy, giáo viên làm thêm ngày đó chỉ được trả công theo mức “thỏa thuận với phụ huynh” do là thu nhập tăng thêm ngoài biên chế. Trong khi đó, không phải gia đình nào cũng có nhu cầu gửi con ngày thứ bảy nên nếu mở lớp, các trường phải gộp chung học sinh nhiều lớp, vừa xáo trộn công tác tổ chức vừa lãng phí nguồn nhân lực, do tất cả bộ phận liên quan như y tế, bảo vệ, cấp dưỡng vẫn hoạt động như ngày thường để đảm bảo an toàn cho học sinh. Tuy nhiên, khoảng 2, 3 năm trở lại đây, trước nhu cầu gửi trẻ ngoài giờ ngày càng tăng cao của phụ huynh, một số quận đã tổ chức thí điểm giữ trẻ ngày thứ bảy hoặc giữ trẻ sau 17 giờ ở các trường công lập như Tân Bình, Thủ Đức, Gò Vấp, Bình Tân… Tuy nhiên, số trẻ đến lớp còn hạn chế, phòng ốc chỉ hoạt động 60% - 80% công suất, học sinh trên lớp được tổ chức vui chơi là chính và học phí thu theo mức thỏa thuận với phụ huynh.
Riêng với ba tháng hè, nhiều giáo viên vẫn mang tâm lý đây là thời gian được nghỉ ngơi, nếu đi làm, bản thân họ cũng phải tìm chỗ gửi con nên phần lớn giáo viên đã có gia đình không đồng ý đứng lớp. Chỉ một bộ phận nhỏ giáo viên trẻ mới ra trường, chưa vướng bận gia đình, yêu trường mến trẻ mới đăng ký đứng lớp. Tuy nhiên, dù mang tiếng là học hè nhưng nhà trường chỉ trông giữ trẻ giúp phụ huynh, mọi tổ chức sinh hoạt đều do sự chủ động của giáo viên đứng lớp. Trong khi đó, các vấn đề về y tế, ăn uống, sinh hoạt vẫn phải đảm bảo như trong năm học khiến nhiều nơi không mặn mà đảm nhận. Giải quyết khó khăn đó, một số đơn vị đã đồng ý cho giáo viên mang con vào trường, gộp chung học sinh cùng nhóm tuổi ở nhiều lớp lại để thuận tiện công tác tổ chức và chăm sóc. Bên cạnh đó, theo quy định của Sở GD-ĐT TPHCM, học phí hè được thu theo mức thỏa thuận với phụ huynh, nên nhiều đơn vị đã chủ động tăng thêm học phí so với trong năm học, dù mức tăng không nhiều nhưng cũng có thêm một khoản để trang trải chi phí, động viên tinh thần làm việc của giáo viên.
Vừa qua, Sở GD-ĐT TPHCM đã tổ chức lấy ý kiến Đề án Giữ trẻ ngoài giờ ở bậc mầm non, trong đó có giữ trẻ thứ bảy và giữ trẻ sau 17 giờ. Đây được xem là một trong những động thái tiến bộ, thể hiện sự lắng nghe và đáp ứng kịp thời của cơ quan chức năng trước nhu cầu phát sinh trong thực tế.
THANH THU