Nghiên cứu bài học hay diễn kịch?

Nghiên cứu bài học là một trong những phương thức của việc đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn cũng như phương pháp dạy học và giáo dục. Quy trình việc giáo dục thông qua hoạt động dự giờ theo hướng nghiên cứu bài học gồm 4 bước: Xây dựng kế hoạch và chuẩn bị, tổ chức dạy học minh họa, dự giờ và suy ngẫm, thảo luận chung, áp dụng vào thực tiễn dạy học. 

Mục tiêu của quy trình sư phạm này là đổi mới tư duy và sinh hoạt chuyên môn theo xu hướng tiếp cận đến các phương pháp dạy học tích cực. Tuy nhiên thời gian gần đây sinh hoạt chuyên môn theo hướng nghiên cứu bài học bị lạm dụng và dần dần mất đi ý nghĩa là phát huy những tư duy mới trong việc thiết kế và tổ chức hoạt động dạy học hay nói một cách khác là không ít những tiết dạy minh họa của việc sinh hoạt chuyên môn giống những vở kịch hoàn hảo của thầy và trò! 

Nghiên cứu bài học đề cao vai trò của tổ chuyên môn trong việc xây dựng giáo án. Giáo viên được phân công dạy minh họa chuẩn bị nội dung bài dạy và trình bày ý tưởng để tổ chuyên môn góp ý trước khi dạy mẫu. Với mục đích như thế nên kịch bản được hình thành: Kiểm tra bài cũ thế nào để không gây khó cho học sinh, giới thiệu bài mới làm sao để tạo hứng thú cho học sinh và ngay cả người dự giờ!...

Việc thảo luận theo hướng nghiên cứu bài học không tập trung vào đánh giá xếp loại giờ dạy giáo viên mà chủ yếu nhằm phân tích các tình huống quan sát được từ hoạt động học và kết quả học tập của học sinh trong giờ học về lý thuyết là vậy nhưng hầu như giáo viên thực hiện tiết dạy minh họa luôn chọn những phương pháp an toàn: Từng bước lên lớp được thiết kế với thời gian thật chuẩn xác, từng câu trả lời thật khớp với nội dung bài học thậm chí đúng từng dấu chấm, dấu phẩy…. Với những kịch bản như thế nên đa số những học sinh tham gia tiết học là những học sinh giỏi, khá, một vài học sinh trung bình và hiếm khi nào những em yếu kém được chọn bởi vì không ai muốn một kịch bản hoàn hảo bị phá vỡ bởi những “diễn viên chưa đủ độ chín” này!

Dự giờ những tiết học thế này chẳng có gì là thú vị vì giáo án luôn được phát đến tận tay nên sự tập trung vào các hoạt động học tập đã giảm đi rất nhiều. Không ít giáo viên chỉ đơn thuần là chép nội dung bài dạy vào phiếu dự giờ để cho đủ số lượng tiết dự giờ theo quy định mà quên đi việc học hỏi kinh nghiệm và phương pháp sư phạm từ đồng nghiệp. Việc thảo luận sau tiết dạy hầu như chỉ làm cho đúng thủ tục khi những điểm thành công của tiết học được nói nhiều hơn là nguyên nhân học sinh chưa tích cực hoặc chưa đạt kết quả trong bài học. Những giải pháp để nâng cao chất lượng bài học nhằm tạo cơ hội cho mọi học sinh tham gia vào quá trình học tập hầu như là không đi vào trọng tâm mà chỉ là qua loa chiếu lệ khi mọi sự việc đã rõ ràng. Những gì thu thập được để áp dụng vào thực tiễn chắc không nhiều bởi vì điều quan trọng với giáo viên là phải thấy được những khó khăn và cách giải quyết để hướng đến việc giảng dạy giúp học sinh tiếp thu bài học dễ dàng hơn hầu như ít được đề cập đến.

Nghiên cứu bài học là một hình thức phát triển nghiệp vụ sư phạm được định hướng bởi chính giáo viên đứng lớp để họ tự đánh giá và cải tiến phương pháp giảng dạy thông qua việc hợp tác với đồng nghiệp. Khi lên kế hoạch giảng dạy chắc hẳn là người giáo viên đã định lượng được thời gian và định tính được kiến thức mà mình sẽ truyền đạt đến học sinh để có được những hoạt động học tập thích hợp bởi vì hơn ai hết họ hiểu đặc điểm tâm - sinh lý của học sinh lớp trực tiếp giảng dạy. Những tình huống phát sinh trong tiết dạy là những trải nghiệm quý báu trong công tác dạy và học. Một tiết dạy minh họa thế nào để đồng nghiệp có được những bài học kinh nghiệm khi dự giờ mới là đạt hiệu quả hơn là xem những vở kịch đã được định lượng thời gian và định tính kiến thức đã sắp đặt.

Báo SGGP Online mở Diễn đàn Chống bệnh thành tích trong giáo dục. Mọi thông tin xin gửi về địa chỉ email: sggponline@sggp.org.vn

Tin cùng chuyên mục