Thủ tướng đã có văn bản trả lời về vấn đề này. Thủ tướng cho rằng đúng như nhận định của đại biểu, khi kinh tế vĩ mô bất ổn định, đồng nội tệ bị mất giá đã khiến người dân mất niềm tin với thị trường, với đồng nội tệ, từ đó chuyển sang nắm giữ ngoại tệ, vàng. Bởi vậy gây ra tình trạng đô la hóa, vàng hóa trong nền kinh tế. Thủ tướng cho biết, trong những năm qua, để hạn chế tình trạng đô la hóa, Chính phủ luôn kiên định mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thực hiện chủ trương từng bước chuyển dần từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua - bán ngoại tệ. Nếu như trong nhiều năm trước đây, lạm phát thường xuyên biến động và ở mức cao thì từ năm 2012 trở lại đây, lạm phát đã được kiểm soát liên tục ở mức thấp, góp phần nâng cao niềm tin của người dân vào đồng Việt Nam.
Thủ tướng cũng chỉ rõ, trong điều hành chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã kết hợp đồng bộ các giải pháp và công cụ điều hành, nhất là sự phối hợp giữa chính sách lãi suất và tỷ giá để duy trì sức hấp dẫn của VND so với USD. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, từ năm 2015 đến nay, tỷ giá và thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định, tâm lý thị trường được giải tỏa, thanh khoản thị trường cải thiện, tình trạng găm giữ ngoại tệ giảm (tỷ lệ đô la hóa trong nền kinh tế giảm từ 11,06% năm 2014 xuống 8,5% hiện nay).
Thực tế cho thấy, từ khi áp dụng chính sách lãi suất 0%/năm, kết hợp đồng bộ các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tiền gửi ngoại tệ của người dân giảm nhưng đi đôi là diễn biến các tổ chức tín dụng chuyển từ xu hướng bán ròng ngoại tệ sang mua ròng ngoại tệ, tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mua được một lượng lớn ngoại tệ trong năm 2016 (9,6 tỷ USD), và tiếp tục mua 7,3 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2017.
Để huy động được nguồn ngoại tệ của người dân, trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục điều hành các giải pháp kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao sức hấp dẫn của VND, phát triển thị trường tài chính để người dân chuyển hóa thành VND, trở thành nguồn lực để góp phần đầu tư, phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy GDP năm 2017 tăng 6,81% chứng minh cho sự phù hợp của chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa.
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến tâm huyết của đại biểu, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ động đánh giá, dự báo và theo dõi sát diễn biến kinh tế, thương mại, tài chính quốc tế trong và ngoài nước để có phương án, giải pháp điều hành các công cụ chính sách tiền tệ phù hợp, kịp thời, bao gồm cả chính sách lãi suất tiền gửi USD, bảo đảm ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ, hạn chế tình trạng đô la hóa, nâng cao vị thế đồng VND, tăng dự trữ ngoại hối, giảm găm giữ ngoại tệ để chuyển hóa thành nguồn lực phục vụ sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục nghiên cứu, rà soát, cập nhật và đề xuất chính sách lãi suất tiền gửi USD trong Đề án hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.