Ngoại giao y tế

Bất chấp sức ép từ lệnh cấm vận của Mỹ, ngành y tế Cuba vẫn đạt nhiều bước tiến mới. Khi đại dịch Covid-19 lây lan mạnh trên toàn cầu, đảo quốc Caribbean này đã đảm nhận sứ mệnh hỗ trợ y tế cho 19 quốc gia chống lại dịch bệnh, thể hiện sức mạnh mềm thông qua ngoại giao y tế. 
Các bác sĩ Cuba khi đến hỗ trợ y tế tại Italy. Ảnh: AP
Các bác sĩ Cuba khi đến hỗ trợ y tế tại Italy. Ảnh: AP

Cuba cũng là quốc gia đầu tiên trên thế giới cử bác sĩ, y tá ra nước ngoài hỗ trợ dập dịch Covid-19. Ngoài ra, thuốc chống virus SARS-CoV-2 có tên Interferon Alfa 2B do Cuba sản xuất đã chứng minh được tính hiệu quả trong việc điều trị bệnh nhân mắc Covid-19 tại Trung Quốc. 

Lý do khiến nhiều nước, trong đó có Italy - tâm dịch của châu Âu, mời các y, bác sĩ Cuba đến hỗ trợ không là điều khó hiểu, bởi tuy là quốc gia đang phát triển nhưng trình độ y tế của Cuba thuộc loại tiên tiến trên thế giới, chiếm vị trí quan trọng trong nghiên cứu khoa học và công nghệ y sinh toàn cầu. Cuba có tỷ lệ bác sĩ trên số dân cao nhất thế giới, đạt mức trung bình 9 bác sĩ/1.000 dân. Do đó, khi nhân viên y tế ra nước ngoài chống dịch, hệ thống y tế ở Cuba hầu như không bị ảnh hưởng. Trong nước, Cuba đang xử lý đại dịch Covid-19 hiệu quả, phần lớn nhờ kỷ luật xã hội, kinh nghiệm xử lý nhiều thảm họa thiên nhiên, năng lực bảo vệ dân sự rộng khắp cũng như đội ngũ y  bác sĩ được đào tạo bài bản. 

Do bị cô lập, ngoại giao y tế trở thành đường dây tương tác chính giữa Cuba và các quốc gia khác. Số liệu do Bộ Y tế Cuba cung cấp cho thấy, kể từ năm 1963, Cuba đã gửi hơn 600.000 bác sĩ đến 164 quốc gia. Các dịch vụ y tế phát triển còn tạo ra ngành công nghiệp đặc biệt của Cuba đó là xuất khẩu các dịch vụ y tế để đổi lấy dầu và ngoại hối. Theo Tổ chức Y tế châu Mỹ (Pan American Health Organization), từ năm 2005 đến 2017, đội ngũ y tế của Cuba, đã giúp đỡ cho 21 quốc gia bị ảnh hưởng bởi thiên tai và dịch bệnh. Trong đợt dịch Ebola năm 2014, các hoạt động viện trợ của y bác sĩ Cuba ở Tây Phi đã thu hút sự chú ý toàn thế giới. Vào thời điểm đó, Cuba đã gửi hơn 460 nhân viên y tế đến Sierra Leone, Liberia và Guinea, trong đó 165 người được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trực tiếp cử đi. WHO có ấn tượng tốt về hiệu suất của các y bác sĩ Cuba trong đợt dịch Ebola, cho rằng họ đã hành động nhanh chóng và rất hiệu quả. 

Trong những năm gần đây, Chính phủ Mỹ gây sức ép với Cuba khiến nước này gặp nhiều thách thức kinh tế. Theo giáo sư John Kirk, nghiên cứu Mỹ Latinh và Tây Ban Nha tại Đại học Dalhousie ở Nova Scotia (Canada), trong năm 2018 2 nguồn thu nhập lớn nhất của Cuba là từ du lịch và xuất khẩu dịch vụ y tế, mang về lần lượt 3 tỷ USD và 6 tỷ USD. Tuy nhiên, con số này đã giảm mạnh trong năm 2020, phần lớn do Tổng thống Donald Trump áp đặt lại các biện pháp trừng phạt kinh tế Cuba. 

Theo giới quan sát, hoạt động hỗ trợ y tế của Cuba đã góp phần nâng cao hình ảnh quốc gia này trong cuộc chiến chống đại dịch trên toàn cầu. Giáo sư John Kirk nhận định, nếu WHO cân nhắc thành lập một lực lượng y tế dự phòng lớn cho các đại dịch xảy ra trong tương lai, Cuba sẽ là nước có khả năng hỗ trợ hiệu quả.

Tin cùng chuyên mục