Ngổn ngang tuyển sinh đầu cấp

Từ ngày 1-8, TP Thủ Đức và 21 quận, huyện trên địa bàn TPHCM bước vào giai đoạn rà soát, xét tuyển đợt cuối cùng đối với tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024. Mặc dù các địa phương đều cam kết đảm bảo đủ chỗ học nhưng thực tế triển khai vẫn khiến người dân lo lắng. 
Phụ huynh xem danh sách học sinh lớp 1 tại Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận 8, TPHCM) sáng 1-8. Ảnh: CAO THĂNG
Phụ huynh xem danh sách học sinh lớp 1 tại Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (quận 8, TPHCM) sáng 1-8. Ảnh: CAO THĂNG

Mở rộng xét tuyển thêm đợt 3

Bắt đầu từ hôm nay (2-8), quận 8 mở lại cổng đăng ký tuyển sinh đầu cấp cho phụ huynh vào đăng ký xét tuyển đợt 2. Trưởng phòng GD-ĐT quận 8 Dương Văn Dân cho biết, sau khi kết thúc giai đoạn 1, nhiều học sinh chưa được phân tuyến do phụ huynh chưa đăng ký thành công.

Đa số các trường hợp do phụ huynh thao tác chưa đúng như chỉ đăng ký ở giai đoạn phần mềm chạy thử nghiệm mà không đăng ký lại khi bước vào thời gian chính thức đăng ký tuyển sinh hoặc sau khi có kết quả phân bổ chỗ học không bấm xác nhận đăng ký trên hệ thống.

“Từ ngày 2-8 đến 17 giờ ngày 6-8, quận 8 xét tuyển đợt 2 đối với các trường hợp chưa được phân tuyến, phụ huynh không đồng ý kết quả phân bổ chỗ học ở đợt 1, học sinh chưa có mã định danh hoặc do lỗi kỹ thuật khi đăng ký ở giai đoạn 1. Sau khi kết thúc đợt 2, phòng GD-ĐT sẽ rà soát, tổ chức thêm đợt 3 nếu vẫn còn trường hợp phụ huynh chưa kịp đăng ký”, đại diện Phòng GD-ĐT quận 8 cho biết.

Trước đó, ngày 30-7, TP Thủ Đức đã kết thúc 2 đợt đăng ký tuyển sinh đầu cấp đối với lớp 1 và 6. Ông Nguyễn Thái Vĩnh Nguyên, Trưởng phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, thông tin, những trường hợp học sinh chưa có tên trong danh sách phân tuyến, phụ huynh liên hệ trực tiếp UBND phường để lập danh sách và Ban chỉ đạo tuyển sinh TP Thủ Đức xem xét giải quyết sau ngày 1-8. Ngoài ra, nếu phụ huynh không đồng ý kết quả phân tuyến trong đợt 1 và 2 sẽ được giải quyết trong đợt 3.

Trong năm học 2023-2024, điểm mới của tuyển sinh lớp 6 trên địa bàn TP Thủ Đức là ngoài hình thức phân tuyến theo địa chỉ cư trú, địa phương tổ chức khảo sát vào lớp 6 Trường THCS Trần Quốc Toản 1 (phường An Phú). Do đó, sau khi có kết quả khảo sát của trường này, phòng GD-ĐT mới rà soát, phân bổ chỗ học cho học sinh chưa trúng tuyển lớp 6, Trường THCS Trần Quốc Toản 1.

Phụ huynh nộp hồ sơ cho con vào học lớp 1 Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (phường 6, quận 8) sáng 1-8. Ảnh: CAO THĂNG

Phụ huynh nộp hồ sơ cho con vào học lớp 1 Trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (phường 6, quận 8) sáng 1-8. Ảnh: CAO THĂNG

Nhiều phụ huynh thắc mắc vì sao trẻ cùng cư trú ở phường An Phú nhưng được phân bổ chỗ học vào nhiều trường THCS khác nhau, đại diện Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức cho biết: “Do địa bàn rộng nên chỗ học được phân tuyến đến đơn vị khu phố. Đơn cử, tại phường An Phú, trẻ có địa chỉ thường trú ở khu phố 4, 5 được phân bổ vào Trường THCS An Phú (phường An Phú), trong khi các khu phố 1, 2, 3 được phân tuyến vào Trường THCS Lương Định Của (phường Thạnh Mỹ Lợi). Phụ huynh có nhu cầu thay đổi phân tuyến có thể liên hệ phòng GD-ĐT để được giải quyết”.

Chưa đồng bộ giữa các địa phương

Trưởng phòng GD-ĐT một quận trung tâm cho biết, sau khi kết thúc giai đoạn 1 tuyển sinh, phòng GD-ĐT “bội thực” email và cuộc gọi khiếu nại của phụ huynh về việc trẻ có địa chỉ thường trú ở quận này nhưng từ lớp 1 đã học tiểu học trên địa bàn quận khác, nay khi nộp hồ sơ xét tuyển vào lớp 6 thì “quận này đá qua, quận kia đá lại” khiến phụ huynh lo lắng. Sau khi tìm hiểu phụ huynh mới tá hỏa vì mỗi quận có căn cứ tuyển sinh khác nhau, nếu không nắm rõ sẽ mất cơ hội xét tuyển ở cả hai nơi gồm địa chỉ thường trú và phân tuyến theo trường tiểu học.

Đơn cử, tại quận 1, Ban chỉ đạo tuyển sinh quận này ưu tiên phân bổ chỗ học cho học sinh có địa chỉ thường trú tại quận 1, các trường hợp đăng ký xét tuyển theo nơi ở hiện tại (tạm trú) hoặc trường đang học ở bậc học trước đó sẽ được giải quyết sau khi kết thúc giai đoạn 1 dựa vào khả năng tiếp nhận thực tế của các trường còn chỉ tiêu tuyển sinh.

Trong khi đó, kế hoạch tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024 của quận Gò Vấp quy định, căn cứ phân tuyến là học sinh “cư trú thực tế trên địa bàn quận Gò Vấp”. Do đó, nhiều trường hợp trẻ có địa chỉ thường trú tại quận Gò Vấp nhưng chưa được phân bổ chỗ học do không cư trú thực tế tại địa phương.

Rút kinh nghiệm sau năm đầu tiên tuyển sinh trực tuyến, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, những năm tới đây, thành phố sẽ triển khai tuyển sinh đầu cấp theo địa chỉ cư trú thực tế của học sinh. Tuy nhiên, để giảm trục trặc trong công tác tuyển sinh, từ năm học 2024-2025, việc rà soát dữ liệu tuyển sinh đầu cấp sẽ triển khai sớm hơn để các địa phương có đủ thời gian rà soát dữ liệu thông tin của học sinh đang cư trú trên địa bàn. Song song đó, tiếp tục hoàn thiện phần mềm tuyển sinh, hạn chế tối đa lỗi kỹ thuật khiến thời gian tuyển sinh kéo dài.

Các phòng GD-ĐT đều nhận được nhiều khiếu nại của phụ huynh về kết quả phân bổ chỗ học ở giai đoạn 1 do không phải “trường gần nơi cư trú theo bản đồ GIS” như khẳng định của ngành giáo dục và đào tạo trước đó. Giải đáp băn khoăn này, lãnh đạo các phòng GD-ĐT thừa nhận, bản đồ GIS chỉ là một trong những căn cứ để phân bổ chỗ học cho người dân, tuy nhiên kết quả phân tuyến còn dựa trên tình hình thực tế tại địa phương như chỉ tiêu tuyển sinh của các trường, loại hình trường lớp sẽ triển khai…

Tin cùng chuyên mục