Nhiều phương án hỗ trợ phụ huynh đăng ký tuyển sinh đầu cấp

Liên quan đến công tác tuyển sinh đầu cấp năm học 2023-2024, PV Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, về các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trên địa bàn thành phố, trong đó có việc hỗ trợ phụ huynh đăng ký tuyển sinh theo hình thức trực tuyến.
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu
Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Nguyễn Văn Hiếu

- PHÓNG VIÊN: Xin ông cho biết tỷ lệ phụ huynh hoàn thành đăng ký tuyển sinh đầu cấp (lớp 1 và lớp 6) sau khi kết thúc đợt 1 kế hoạch tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận, huyện?

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU: Qua rà soát, tỷ lệ phụ huynh hoàn thành đăng ký tuyển sinh đầu cấp trên địa bàn TP Thủ Đức và 21 quận, huyện là 85% đối với lớp 1 và hơn 90% đối với lớp 6. Nguyên nhân là do đối với tuyển sinh lớp 6, dữ liệu học sinh (trẻ sinh năm 2012) đã có sẵn từ lớp 5 nên việc rà soát dễ dàng hơn. Trong khi đó, đối với lớp 1 (trẻ sinh năm 2017), tỷ lệ trẻ ngoài nhà trường hiện nay còn khá lớn nên việc rà soát dữ liệu gặp nhiều khó khăn hơn dẫn đến tỷ lệ đăng ký chưa cao. Trong đó, quận 3 là địa phương duy nhất trên địa bàn TPHCM đạt tỷ lệ 100% phụ huynh hoàn thành đăng ký tuyển sinh đầu cấp ở cả hai bậc tiểu học (lớp 1) và THCS (lớp 6).

- Như vậy, đối với 15% phụ huynh còn lại chưa đăng ký tuyển sinh đầu cấp đối với lớp 1 và 10% đối với lớp 6, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ có những biện pháp gì để rà soát và hỗ trợ phụ huynh hoàn thành việc đăng ký?

Ngày 23-6 là thời hạn cuối cùng phụ huynh đăng ký dữ liệu tuyển sinh đầu cấp trên hệ thống trong đợt 1. Sau khi Ban chỉ đạo tuyển sinh các quận, huyện và TP Thủ Đức tiến hành rà soát, sắp xếp chỗ học và công bố kết quả cho phụ huynh, học sinh, các địa phương sẽ tiếp tục rà soát danh sách học sinh trên địa bàn chưa có cơ sở dữ liệu trên hệ thống tuyển sinh đầu cấp để có phương án hỗ trợ phù hợp. Tôi muốn nhấn mạnh là các địa phương không cần chờ đến thời hạn công bố chung toàn thành phố mà địa phương nào hoàn thành việc rà soát sớm có thể công bố sớm, mốc thời gian tùy thuộc vào số lượng học sinh và tình hình đăng ký thực tế tại địa phương. Song song đó, học sinh chuẩn bị vào lớp 1 có thể đến các trường tiểu học, học sinh chuẩn bị vào lớp 6 đến các trường THCS trên địa bàn để được hướng dẫn đăng ký, rà soát và bổ sung dữ liệu.

Theo kế hoạch, đợt 2 sẽ tiếp tục bố trí chỗ học cho những học sinh chưa được phân bổ chỗ học sau khi kết thúc đợt 1 phù hợp khả năng tiếp nhận thực tế của các trường và công bố kết quả chậm nhất vào ngày 31-7. TP Thủ Đức và 21 quận, huyện cần đảm bảo bố trí đủ chỗ học cho người dân theo chủ trương chung của UBND TPHCM là tất cả trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường.

- Qua phản ánh từ các phòng GD-ĐT quận, huyện, nhiều bất cập đã nảy sinh trong năm đầu tiên triển khai đăng ký tuyển sinh theo hình thức trực tuyến, ngành giáo dục và đào tạo có biện pháp gì để khắc phục tình trạng này?

Sau năm đầu tiên triển khai đăng ký tuyển sinh theo hình thức trực tuyến, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ tiến hành rút kinh nghiệm. Dự kiến, những năm tới đây, phụ huynh sẽ đăng ký tuyển sinh đầu cấp theo địa chỉ cư trú thực tế để cán bộ chuyên trách giáo dục phường, xã rà soát thông tin thuận lợi hơn. Từ năm học 2024-2025, thời gian rà soát dữ liệu tuyển sinh đầu cấp sẽ triển khai sớm hơn, có thể bắt đầu từ tháng 5 (năm học 2023-2024, công tác rà soát dữ liệu bắt đầu từ tháng 6 - PV) để các địa phương có đủ thời gian rà soát dữ liệu thông tin của học sinh đang cư trú trên địa bàn.

Đặc biệt, đối với các địa phương chịu áp lực cao về dân số, Ban chỉ đạo tuyển sinh quận, huyện và TP Thủ Đức cần dựa vào số lượng học sinh thực tế ở các độ tuổi để có phương án bố trí lực lượng phù hợp, có thể tính đến phương án huy động giáo viên ở các trường phổ thông hỗ trợ công tác điều tra, cập nhật và rà soát dữ liệu tuyển sinh đầu cấp. Riêng với việc thí điểm triển khai bản đồ GIS vào tuyển sinh đầu cấp ở 3 địa phương gồm quận 8, Tân Bình và TP Thủ Đức trong năm học 2023-2024, Sở GD-ĐT TPHCM sẽ rút kinh nghiệm, tham mưu UBND TPHCM các phương án triển khai phù hợp, đạt hiệu quả cao hơn trong những năm sau.

Tin cùng chuyên mục